Những "hạt giống hòa bình" Mỹ gieo xuống Triều Tiên

Thứ ba, 26/06/2018, 10:06
Tổ chức AFSC của Mỹ đã đồng hành cùng nông dân Triều Tiên suốt 20 năm, giúp họ đối phó với tình trạng khan hiếm lương thực do lệnh cấm.

Nông dân Triều Tiên dùng khay nhựa để trồng lúa theo phương pháp của Ủy ban Hỗ trợ Bạn bè Mỹ. Ảnh: AFSC.

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6 đã làm "tan băng" mối quan hệ giữa hai nước. Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc hồi đầu tháng đưa Triều Tiên vào danh sách 39 quốc gia hiện vẫn cần hỗ trợ lương thực từ bên ngoài, theo CNBC. Gần 40% dân số tại đây bị suy dinh dưỡng và hơn một phần tư trẻ em kém phát triển do chế độ ăn uống nghèo nàn.

Triều Tiên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nông nghiệp. Ngoài nạn hạn hán, đất đai bạc màu do liên tục canh tác cũng là một nguyên nhân dẫn tới thiếu lương thực. Hơn nữa, Triều Tiên chỉ có dưới 20% diện tích thích hợp làm nông nghiệp bởi hầu hết là địa hình đồi núi.

Tuy nhiên, tình hình tại Triều Tiên đã tiến triển hơn so với thập niên 1990, thời điểm nạn đói nghiêm trọng xảy ra khiến 2,4 triệu người thiệt mạng. Việc tự sản xuất các loại lương thực thiết yếu như gạo và ngô đã tăng trưởng dù đất nước 25 triệu dân này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ lương thực từ Trung Quốc.

"Sản xuất đã tăng trưởng trong vòng 5 năm qua nhờ những thay đổi trong nông nghiệp", theo Linda Lewis, giám đốc tại Triều Tiên của Ủy ban Hỗ trợ Bạn bè Mỹ (AFSC) có trụ sở ở Philadelphia. Tổ chức này đã hợp tác với Triều Tiên về các vấn đề nông nghiệp và kinh tế suốt 20 năm qua.

Nông nghiệp Triều Tiên được quản lý tập trung và chủ yếu dựa vào các hợp tác xã. Một bộ phận nhỏ khác xây dựng theo mô hình nông trường, hoạt động như các doanh nghiệp chính phủ. Các nông trường trên cả nước có gần 3.000 nông dân, trồng các loại cây theo yêu cầu từ chính phủ.

Tuy nhiên, Lewis cho biết Bình Nhưỡng đã có những cải cách trong vài năm qua, cho phép nông dân được "tự do hành động hơn và tự kiểm soát các quyết định về mảnh đất được giao". Chính phủ cũng đồng ý cho các nông trường bán hoặc trao đổi số lương thực vượt chỉ tiêu. Những thay đổi trong quản lý nông nghiệp 5 năm qua đã giúp đất đai phục hồi tốt hơn sau hạn hán.

Lãnh đạo Kim Jong-un đi thị sát tại một trang trại ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

AFSC đã thực hiện nhiều dự án nhằm cải thiện tình hình nông nghiệp tại Triều Tiên. Năm 1998, tổ chức giới thiệu phương pháp dùng khay nhựa để gieo mạ với mục tiêu cụ thể là tăng sản lượng ngô và thúc đẩy năng suất trồng lúa.

Lewis cho biết các khay nhựa giúp tiết kiệm sức lao động và hạt giống, đồng thời tăng sản lượng từ 10 đến 15%. "Các nông trường chúng tôi hợp tác đều đánh giá cao ý tưởng. Giờ đây chính phủ đang đẩy mạnh phương pháp này trên toàn quốc", bà chia sẻ.

Dù vậy, Triều Tiên phần lớn vẫn dựa vào máy móc và công nghệ nông nghiệp lỗi thời, một số loại máy được sản xuất từ những năm 1970. Các lệnh cấm quốc tế đã hạn chế việc nhập khẩu máy móc, nông cụ mới.

Khó khăn do lệnh trừng phạt

Chính quyền Trump tuyên bố các biện pháp trừng pháp mạnh mẽ với Triều Tiên sẽ giữ nguyên cho tới khi quốc gia Đông Á"phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Ngoài máy móc và nông cụ, lượng nhiên liệu và phân bón cũng cạn dần do lệnh cấm.

"Trước lệnh trừng phạt mới nhất hồi tháng 1, chúng tôi vẫn có thể gửi phần lớn vật dụng cần thiết tới Triều Tiên. Nhưng sau đó, chúng tôi không được cung cấp các phương tiện hoặc kim loại, nên không thể mang xẻng và máy kéo tới vùng núi", Lewis cho biết. Bà nói thêm rằng máy phun đeo lưng cũng bị tịch thu do lệnh cấm, dù đây chỉ là dụng cụ rất đơn giản.

Để đối phó với lệnh cấm, Triều Tiên đã phát triển việc sản xuất máy kéo nội địa. AFSC cũng vẫn có thể gửi các dụng cụ bằng nhựa tới Triều Tiên để dùng trong các nhà kính và máy bơm nước phục vụ hệ thống thủy lợi.

Bên cạnh việc quản lý nguồn nước, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan Liên Hợp Quốc xác định vấn đề vệ sinh cũng là một nguy cơ lớn tại Triều Tiên. Các báo cáo cho biết người dân bị tiêu chảy mãn tính do thiếu nước sạch. Cứ 4 người Triều Tiên thì có một người thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ vệ sinh.

Việc thiếu phân bón cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Chính phủ cung cấp một số lượng phân bón cho các trang trại, nhưng phân bón hóa học bị hạn chế do lệnh cấm. Điều này đồng nghĩa với việc phải sử dụng chất thải của con người làm phân bón, gây ra các vấn đề sức khỏe như giun sán và ký sinh trùng.

Lewis cho biết các thành viên của AFSC phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt của Bộ Ngoại giao mới được phép nhập cảnh vào Triều Tiên. Bất chấp những khó khăn, bà và AFSC vẫn nỗ lực bền bỉ trong việc hợp tác cùng Triều Tiên để giải quyết vấn đề lương thực và làm dịu căng thẳng trên bán đảo. Bà cho rằng an ninh lương thực là"một trong những vấn đề nhân quyền lớn nhất tại Triều Tiên".

"Chúng tôi cho rằng hội nghị thượng đỉnh là khởi đầu của một quá trình lâu dài chứ không phải điểm kết thúc", bà nhận định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn