Ký sự nước Nga: World Cup là nơi giao thoa của các nền văn hoá

Thứ ba, 26/06/2018, 09:24
World Cup dĩ nhiên không chỉ có bóng đá, phần đông CĐV của nhiều nước đến với World Cup không nhất thiết phải coi bóng đá. Đó là một ngày hội, và người ta đến với ngày hội để vui, hay đơn giản đến với World Cup chỉ là để được đặt chân đến với một vùng đất mới.

Anh bạn Demian người Argentina nói với tôi như thế. Anh chưa mua được vé xem bất cứ trận nào của đội tuyển Argentina tại giải năm nay, mà với người dân xứ sở Tango, không xem được đội bóng quê nhà thi đấu, họ sẽ không muốn xem bất cứ đội nào cả.

Thế nhưng, Demian vẫn quyết định sang Nga, dù chỉ để xuất hiện xung quanh các sân bóng tại xứ sở Bạch Dương, chờ vận may sẽ mua được vé do người khác nhượng lại, kể cả nhượng lại với giá cao hơn gấp vài lần giá gốc. Hay đơn giản hơn nữa, không có ai nhượng lại vé, Demian và nhiều người Argentina khác sẽ di chuyển sang khu Fan Fest để xem qua màn hình khổng lồ, hoặc ngồi đâu đấy, miễn là chỗ ngồi có cái TV là được.

Nhiều CĐV phương Tây đến với World Cup để khám phá một nước Nga hãy còn xa lạ với họ

Mà trường hợp của Demian không phải là trường hợp duy nhất. CĐV Argentina áp đảo tại World Cup 2018. Trung bình có khoảng trăm ngàn người Argentina xuất hiện xung quanh các sân bóng tổ chức những trận đấu của đội bóng xứ Tango tại vòng bảng, nhưng mỗi trận, chỉ có khoảng 40.000 CĐV Argentina được vào bên trong sân.

Số còn lại, dĩ nhiên ở bên ngoài sân, nhưng hình như họ cũng không quan trọng chuyện đó. Với họ, sang Nga lúc này là để tận hưởng không khí lễ hội, dù không có vé, thậm chí nhiều người còn không sử dụng được ngoại ngữ. Tức là không biết nói ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Tây Ban Nha của người Argentina.

Nhiều CĐV thuộc các nước khác cũng vậy, họ hầu như chỉ nói ngôn ngữ của nước mình. Người Ả rập (Saudi Arabia, Tunisia, Morocco, Iran…) nói tiếng Ả rập, dân Nga nói tiếng Nga, dân la-tinh chỉ nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, người Serbia, Hàn Quốc, Nhật… cũng có ngôn ngữ riêng.

Kỳ thực những người này không quen nhau, có khi cũng chẳng hiểu nhau, nhưng họ cứ choàng vai bá cổ cứ như đã thân từ lâu
Chỉ có bóng đá, chỉ có World Cup mới giúp người ta dễ hoà đồng đến thế

Dù vậy, họ vẫn giao lưu với nhau rất bình thường, không chút ngần ngại và cũng không mấy quan tâm đến rào cản về mặt ngôn ngữ. Bởi, World Cup có ngôn ngữ chung của World Cup, đó là bóng đá và đó là lễ hội với những ai được đặt chân đến các thành phố tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới.

Hôm diễn ra trận Bồ Đào Nha – Morocco, đang đi loanh quanh trong khuôn viên sân vận động, một bạn đồng nghiệp là phóng viên từ Morocco tới hỏi tôi có vé vào sân xem trận đấu hay không? (ở World Cup, phóng viên ngoài thẻ tác nghiệp chung được FIFA cấp, muốn xem trận nào phải tiếp tục đăng ký với FIFA, nhận vé ở nơi diễn ra trận đấu) Sẵn cũng không thiết tha lắm xem trận đấy, tôi nhường lại cho anh chàng đồng nghiệp nọ.

Nghĩ bụng ra khu Fan Fest xem có khi vui hơn. Mà thật, khu Fan Fest có cái thú vị của Fan Fest, CĐV các đội khác nhau cứ bá vai, bá cổ chụp hình chung, như thể thân thiết từ đời nào rồi vậy.

Đúng là nếu cứ ngại đi thì chẳng bao giờ có được cảm giác như thế. Hèn chi dân các nước dù không có vé, dù không rành ngoại ngữ vẫn cứ ùn ùn kéo đến Nga mùa này. Trước là tận hưởng không khí World Cup, sau cũng là để khám phá một nước Nga vốn vẫn còn lạ lẫm với người phương Tây.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích