Đại biểu HĐND TP.HCM: Dân xả rác bừa bãi, lỗi do chính quyền

Thứ tư, 11/07/2018, 14:21
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trâm, luật đã có nhưng chính quyền xử lý không nghiêm nên hành vi xả rác nơi công cộng vẫn tràn lan.

Tại ngày làm việc thứ hai của kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 11/7, tình trạng xả rác nơi công cộng (một trong những nguyên nhân gây ngập) và chế độ cho công nhân thoát nước, được nhiều đại biểu quan tâm.

Nhắc lại chia sẻ của công nhân thoát nước đô thị Ngô Chí Hùng về những nguy hiểm khi vớt rác dưới cống, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đề nghị, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cần tăng cường xử phạt. Thành phố cũng cần trang bị thêm thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân vớt rác, hạn chế tai nạn đáng tiếc khi làm việc dưới cống.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Thành Nguyễn

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: Thành Nguyễn

Chia sẻ về việc người dân cho rằng "ngập nước là nỗi ám ảnh", song đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lưu ý chính người dân là nguyên nhân khiến tình trạng ngập nghiêm trọng khi xả rác bừa bãi. "Chung quy là vấn đề ý thức nhưng sao cái ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân", bà Trâm băn khoăn.

Nhìn rộng hơn, bà Trâm chỉ ra rằng, trong vấn đề xả rác bừa bãi người dân có lỗi một thì các cơ quan quản lý lỗi đến 10. "Bởi luật xử lý hành vi xả rác nơi công cộng đã có mà chính quyền không áp dụng nghiêm? Điều này chứng tỏ chính quyền đã buông lỏng quản lý", bà Trâm nêu vấn đề. "Tôi có cảm tưởng chúng ta tổ chức theo phong trào, chưa quyết liệt ra quân xử phạt thì sau đó đâu lại vào đấy. Vai trò quản lý nhà nước phải là quyết định, nghiêm túc nhìn vào trách nhiệm của mình để đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn".

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Trí (quận 12) cho rằng công tác thu gom rác chưa được tốt. Một số loại rác lớn như chăn, gối, ghế nệm… công nhân vệ sinh không thu gom vì không phải rác sinh hoạt. Muốn họ mang đi phải đóng thêm phí.

"Thế là ban đêm người dân lén bỏ ở chỗ vắng để khỏi mất tiền. Việc người ta đổ vài xe rác, vài cái bàn, vài cái ghế hoặc cả một tấm nệm là chuyện rất bình thường. Tổ dân phố, dân quân, thậm chí công an khu vực có nhìn thấy cũng chẳng làm được gì. Nếu có bắt cũng không thể xử lý do không có cơ chế", ông Trí nói.

"Pháp luật phải được thực thi mạnh mẽ giống các nước khác. Vì sao nếu đi du lịch qua Thái Lan, Singapore người ta không dám quăng một cái tàn thuốc ra đường mà ở Việt Nam lại dám quăng cả bao tải rác 40-50kg xuống sông", ông Trí nói và cho rằng nếu TP.HCM không quyết tâm thì 20 năm nữa cũng không thể xử lý tình trạng này.

Miệng cống thoát nước ở Sài Gòn đang trở thành nơi tập kết rác. Ảnh: Thành Nguyễn

Miệng cống thoát nước ở Sài Gòn đang trở thành nơi tập kết rác. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đề xuất xã hội hóa lực lượng xử phạt người xả rác

Theo đại biểu Nguyễn Lê Minh Quang, để đánh giá một thành phố phát triển như thế nào chỉ cần nhìn vào vệ sinh môi trường và trật tự giao thông. Trong khi đây là hai vấn đề bức xúc nhất TP.HCM phải tìm cách giải quyết.

"Chúng ta đã có Luật, Nghị định xử phạt hành vi xả rác ở mức cao. Trong lĩnh vực trật tự giao thông cũng thế. Tuy nhiên các hành vi vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên là do thành phố không đủ lực lượng hay quyết tâm chưa đủ?", ông Quang đặt câu hỏi.

Theo ông Quang, vấn đề mấu chốt là, lực lượng hành chính phường xã hiện nay không đủ để giải quyết. "Chúng ta cần mạnh dạn nghiên cứu xã hội hóa lực lượng xử phạt. Chính lực lượng này sẽ giúp tái lập trật tự trong giao thông, môi trường", ông Quang đề nghị.

Sở Tài nguyên - Môi trường nhận trách nhiệm

Khi được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu phát biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói: "Sở xin nhận trách nhiệm".

Theo ông Thắng, dự báo đến năm 2020 có khoảng 10.100 tấn rác mỗi ngày, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn. Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm, gây ngập.

"Thành phố đang lắp thêm camera ở các khu vực công cộng để có căn cứ xử lý người vi phạm. Theo quy định mới, hành vi xả rác có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 7 triệu đồng. Trách nhiệm xử lý đã giao cụ thể cho các quận, huyện, xã phường và ngành tài nguyên - môi trường", ông Thắng cho biết.

Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu nêu ý kiến về bảo vệ di sản, công trình cổ trên địa bàn thành phố; các giải pháp giúp kinh tế thành phố phát triển bền vững; đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm... Các Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư cũng tham gia trả lời các vấn đề được đại biểu nêu.

Chiều nay, HĐND thành phố sẽ báo cáo chuyên đề giám sát quản lý đất công trên địa bàn, sau đó các đại biểu sẽ chất vấn và thảo luận.

Theo VNE

Các tin cũ hơn