|
Thị trấn Kampot nổi tiếng với cuộc sống yên bình, gần gũi với thiên nhiên (Ảnh: Phnom Penh Post) |
Kampot được coi là một trong những viên ngọc quý về văn hóa của Campuchia, nhưng làn sóng đầu tư của Trung Quốc mở sòng bạc ở khu vực này đang khiến cư dân ở thị trấn bé nhỏ lo ngại, nhà báo George Styllis viết trên BBC.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, các công trình ở trên núi Bokor, Kampot, vốn xây từ thời thực dân Pháp đô hộ, đã xuống cấp và gần như chỉ còn giá trị như những di tích lịch sử. Cho tới năm nay, thị trấn vốn trầm mặc bỗng trở nên sôi động lạ thường với các dự án do Trung Quốc đầu tư: Một khách sạn hạng sang và một sòng bài với thương hiệu “Cung điện Le Bokor”.
Hiện thời, có 2 dự án sòng bạc ở Bokor, sử dụng khoảng 18.000 héc-ta đất, đang trong quá trình bắt đầu xây dựng.
Theo nhà báo trên, đây là dấu hiệu cho thấy Campuchia dường như đang phát triển ngành du lịch sòng bài, nhằm phục vụ chính cho người chơi và khách du lịch Trung Quốc, quốc gia có luật cấm nghiêm ngặt với mọi hình thức cờ bạc. Ngoài việc xin cấp phép hoạt động sòng bài dễ dàng, luật pháp Campuchia được đánh giá là không quá nghiêm khắc với hình thức kinh doanh trên. Và những điều này là những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào loại hình kinh doanh sòng bạc tại quốc gia Đông Nam Á.
Một bằng chứng rõ ràng nhất có thể thấy là thành phố du lịch Sihanoukville, cách Kampot 2 giờ di chuyển. Người dân Kampot đang quan ngại mô hình Sihanoukville sẽ tái hiện ở nơi họ sinh sống.
|
Một dự án do Trung Quốc đầu tư ở Sinhanoukville (Ảnh minh họa: Washington Post) |
Theo BBC, Sihanoukville được coi là trọng tâm đầu tư của Trung Quốc ở Campuchia, với các hạng mục xây dựng, du lịch, sòng bài. Khu vực này nằm ở vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh.
Sihanoukville của thì hiện tại đã mọc lên hàng loạt siêu thị, căn hộ, sòng bạc do Trung Quốc xây dựng trên khắp nẻo đường phố. Sự lột xác chóng mặt của thành phố du lịch vốn yên bình trước kia đã khiến cho Som Annie và bạn trai Damien Pradayrol quyết định rời đi và chuyển tới Kampot.
Cặp đôi này thừa nhận họ không thể bắt kịp được với tốc độ phát triển nhanh chóng ở Sihanoukville. Giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt và nhu cầu nhà ở cũng tăng đột biến do ngày càng nhiều người Trung Quốc sang sinh sống và làm việc.
Tại Sihanoukville, Som và Damien ban đầu thuê một căn phòng giá 75 USD/tháng. Chỉ trong một vài năm, giá cả nhà đất tăng phi mã. Chỉ trong 1 năm, họ đã phải chuyển nhà 4 lần. Căn hộ cuối họ thuê đã đội giá lên tới 250 USD.
Som nói rằng họ biết những người chuyển từ Sihanoukville tới Kampot hầu như đều gặp phải tình trạng tương tự như họ. “Ngay cả cha mẹ tôi cũng từng thuê nhà ở đó. Khi hợp đồng kết thúc, chủ đất đã thẳng tay đuổi họ ra ngoài để cho người Trung Quốc thuê. Sau đó họ buộc phải trở về quê sinh sống”, Som nói.
Trên thực tế, Trung Quốc được coi là là một nhà đầu tư hào phóng khi họ sẵn sàng đầu tư vào các hạng mục cơ sở hạ tầng mà Campuchia cần như các dự án xây dựng tàu cao tốc, sân bay.
Tuy nhiên, mặt trái của những khoản đầu tư này là tình trạng bóc lột sức lao động của đội ngũ lao động địa phương giá rẻ và các công ty Trung Quốc đầu tư thường có xu hướng thuê nhân viên Trung Quốc, chứ không thuê người dân địa phương.
Ngoài những tác động về mặt xã hội, chuyên gia Alex Gonzalez-Davidson của tổ chức phi chính phủ địa phương Mother Nature cảnh báo rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới môi trường.
Một đặc khu kinh tế rộng 1.000 héc-ta với cảng nước sâu và nhà máy điện than do Trung Quốc đầu tư đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, với quan ngại rằng dự án này có thể tác động tiêu cực tới môi trường.
Chứng kiến những sự thay đổi ở Sihanoukville, nhiều người dân ở Kampot tỏ ra băn khoăn về tương lai của thị trấn vốn yên bình và hòa đồng với thiên nhiên, nơi họ đang sinh sống.
Theo Dân Trí