ĐBSCL đón lũ "đẹp"

Thứ ba, 18/09/2018, 09:01
Theo các chuyên gia, đỉnh lũ năm nay chỉ trong khoảng giữa báo động 2 và 3, về lý thuyết đây là mực nước vừa đủ, có thể xem là lũ đẹp.

Đánh bắt thủy sản mùa lũ ở H.An Phú, An Giang

Đỉnh lũ có thể vào cuối tháng 9

Hiện tại, mực nước vùng thượng lưu sông Mê Kông đang xuống. Tại các trạm đo ở Thái Lan, Lào và một số nơi ở Campuchia, mực nước thấp dưới báo động (BĐ) 1 khoảng hơn 1m. Hôm qua 17.9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 3,93m (dưới BĐ2 17cm); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,55m (xấp xỉ BĐ2). Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống trong những ngày tới. Sau đó do ảnh hưởng của triều cường rằm tháng 8 (âm lịch) sẽ lên lại. Ngày 28.9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có thể đạt mức 4,05 - 4,1m (BĐ2 là 4m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,6 - 3,65m (BĐ2 là 3,5m).

Lúa ngoài đê bao bị thiệt hại do lũ

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan phân tích: Đỉnh lũ ở ĐBSCL phụ thuộc lượng nước ở thượng nguồn (Thái Lan và Lào) về kết hợp triều cường. Hiện mực nước lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông đang xuống nhưng vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2017. Hiện tại hoàn lưu bão số 6 sẽ gây mưa diện rộng ở khu vực phía Bắc của Lào và Thái Lan. Bên cạnh đó, theo dự báo của Mỹ trong 16 ngày nữa có thể hình thành vùng áp thấp ở Biển Đông và gây mưa lớn ở khu vực miền Trung.

Mưa xảy ra ở cả hai khu vực này sẽ bổ sung một lượng nước vào sông Mê Kông. Do đó, lũ ở ĐBSCL có khả năng đạt đỉnh của mùa vào đợt cuối tháng 9 đầu tháng 10 tới, cũng là đợt triều cường giữa tháng 8 âm lịch. “Hiện nay các dự báo đều cho rằng đỉnh lũ chỉ cao hơn BĐ2 10 - 20cm. Lượng nước về đồng bằng như vậy được coi là lý tưởng để bổ sung nước ngọt, đẩy mặn, vệ sinh đồng ruộng, bổ sung dinh dưỡng cho đất”, bà Lan kết luận.

Nhà vườn Lai Vung múc đất đắp đê cao hơn để chống lại lũ tràn vào

Kẻ hớn hở

Lũ đẹp nên ở vùng đầu nguồn, các tỉnh giáp biên giới với Campuchia cảnh đánh bắt tôm cánhộn nhịp. Ông Lê Văn Thin, ở xã Bình Thạnh (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) hớn hở: “Đã 6 - 7 năm rồi nước mới về sớm và lớn như vậy. Đã qua 3 con nước rồi mà nước vẫn chưa đứng. Nhờ vậy mà dân làm nghề đánh bắt như tôi sống được”. Mùa lũ năm nay, chỉ cần vài tay lưới, dân làm nghề này cũng kiếm được 5 - 7kg cá/ngày, tương đương thu nhập 150.000 - 200.000 đồng.

Ở vùng đầu nguồn, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người có thêm thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản tự nhiên dựa vào con nước. Ông Nguyễn Văn Bé, năm nay đã 61 tuổi, ở xã Phú Lộc (H.An Phú, An Giang) có ngày thu nhập 500.000 - 600.000 đồng từ các loại cá rô phi, lóc, cá linh... đánh bắt được. “Cả đêm kéo cá chia được hơn 35 kg. Mấy năm rồi mới được mùa như năm nay, dân câu lưới có thêm tiền để trang trải cuộc sống”, ông Bé tâm sự. Mùa lũ mang về đủ loại sản vật, ngoài cá còn tôm, cua, ếch, lươn, chuột...

Cá linh vẫn là loài cá đặc sản của mùa nước nổi miền Tây được trông đợi nhất. Ông Tám Dớn, một ngư dân cố cựu ở xã Phú Lộc, cho biết: “Cá linh bán rất chạy. Có bao nhiêu là mối lái, người quen hốt hết”. Cũng theo ông Dớn, tại vùng đầu nguồn này, giá cá linh sống là 50.000 đồng/kg, ngay như cua đồng cũng được giá 20.000 đồng/kg; còn đắt nhất là tôm lóng (tôm càng nhỏ) giá hơn 120.000 đồng/kg... Chỉ cần chịu khó ra đồng buông lưới cũng có thể kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Không chỉ ngư dân, các làng nghề sản xuất ngư lưới cụ phục vụ cho việc đánh bắt cũng vui mừng không kém.

Ông Lê Văn Thi, một người làm nghề đan lợp ở xã Bình Thạnh (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp), cho biết năm nay nước về sớm, lại lên cao nên gia đình ông đan không kịp bán. “Mọi năm người ta tới mua có khi nhiều lắm là 200 cái, nhưng năm nay có những người đặt tới 500 cái. Ngư dân vui vì lũ về, mình cũng được vui lây. Cũng khá lâu rồi mới có cái cảm giác và không khí mùa nước nổi như vầy”, ông Thi tâm sự.

Người lo âu

Nhưng lũ dù đẹp vẫn mang tới không ít lo âu cho người nông dân. Theo Phòng NN-PTNT H.Tháp Mười (Đồng Tháp), vụ lúa thu đông năm 2018, toàn huyện xuống giống hơn 36.000 ha, hầu hết nằm trong vùng có đê bao bảo vệ. Khi nghe thông tin nước lũ đổ mạnh về vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, địa phương đã huy động lực lượng cùng nông dân gia cố đê bao bảo vệ lúa.

Đến thời điểm này có hơn 8.000 ha lúa thu đông bị nước lũ đe dọa, chủ yếu ở các xã Trường Xuân, Thanh Mỹ, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi... Ngày 12.9, áp lực nước lũ đổ về quá mạnh và dâng cao liên tục làm tuyến đê bao ở ấp 2, xã Thạnh Lợi bị vỡ. Nước tràn vào đồng khiến gần 150ha lúa thu đông chìm sâu trong nước, ước tính thiệt hại khoảng 3,4 tỉ đồng.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: “Đây là vùng trũng trong khu vực trũng thấp Đồng Tháp Mười nên khi lũ về mạnh đã làm mực nước trong và ngoài đê bao chênh lệch rất cao, có nơi khoảng 2m. Hiện tại, 3.600ha lúa thu đông của xã phải đến cuối tháng 9 mới thu hoạch dứt điểm, từ nay tới đó, việc chống lũ, giữ đê, giữ lúa còn rất căng”.

Tương tự ở An Giang, nước lũ cũng đang đe dọa hàng ngàn héc ta lúa thu đông ở ngoài đê bao, một số tuyến đê có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên hiện tại vẫn có một số nông dân chuẩn bị xuống giống tiếp vì giá lúa đang cao. Cụ thể, tại huyện Tri Tôn, vụ Thu Đông này xuống giống hơn 13.000ha thì có hơn 8.000ha lúa nằm ngoài đê bao. Ông Phạm Hoàng Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia, H.Tri Tôn, cho biết: “Mấy năm gần đây nước lũ về thấp nên bà con chủ quan dẫn đến việc xuống giống lúa Thu Đông khá nhiều. Từ cuối tháng 8, nước lũ ở Campuchia kéo về dữ dội, khiến việc chống lũ bảo vệ lúa vô cùng vất vả”.

Nhiều năm trước, các nhà khoa học đã nhiều lần khuyến cáo nông dân ĐBSCL cân nhắc việc sản xuất tràn lan lúa thu đông... Việc giảm diện tích lúa Thu Đông, xả lũ lấy phù sa cải tạo đất và giảm rủi ro về chống lũ đã được nói đến nhiều lần nhưng vẫn ít được thực hiện. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở vùng lũ ĐBSCL cho rằng, thời gian qua đã nỗ lực tìm kiếm nhiều mô hình sản xuất mùa lũ như: nuôi cá đồng, nuôi tôm, lươn, trồng sen, rau màu... nhằm thay thế cho lúa Thu Đông. Tuy nhiên, khi nhân rộng đại trà, hầu hết các mô hình đều gặp phải nút thắt đầu ra, trong khi cây lúa thì sản xuất nhiều, dễ tiêu thụ. Điều đó cũng lý giải một phần, dù lúa thu đông luôn chứa nhiều rủi ro khi mùa lũ lớn, nhưng nông dân vẫn trồng.

Nhà vườn căng mình chống lũ
Mấy ngày qua, nước lũ tràn về vùng hạ lưu tỉnh Đồng Tháp gây thiệt hại nặng nề cho một số nhà vườn. Tại H.Lai Vung, nước tràn về đe dọa hơn 5.500 ha vườn cây có múi; trong đó có trên 840 ha quýt hồng. Ông Lê Ngọc Bích trồng quýt hồng ở xã Tân Thành không an tâm khi ngoài kia nước sông Hậu cứ liên tục dâng cao, khu vườn ông thấp hơn mặt nước vài cen ti mét nên ông phải liên tục móc đất dưới bờ mương lên đắp đê đề phòng nước tràn vào ngập vườn quýt trị giá mấy tỉ đồng và chuẩn bị sẵn máy bơm để rút nước phòng khi đê bao bị “thất thủ”.
Hiện tại, UBND H.Lai Vung đang vận động người dân tăng cường gia cố một số đoạn cục bộ để bảo vệ vườn cây ăn trái, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với lũ bằng mọi nguồn lực bảo vệ được vườn cây có múi an toàn trong mùa lũ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn