Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa đề xuất xây dựng đường Lê Lợi (quận 1) kết hợp khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành thành quảng trường đi bộ.
Không gian đi bộ cũng được đề nghị mở rộng sang hướng Đông (phía sau Nhà hát thành phố) thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị bày tỏ lo ngại, khuyên thành phố chỉ nên xây dựng các khu đi bộ nhỏ để dễ quản lý.
Ý tưởng quy hoạch các tuyến phố đi bộ liên hoàn (màu xanh lá) ở trung tâm TP HCM: Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc. |
Kẹt xe, khó cứu hộ cứu nạn
GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Trưởng bộ môn Đô thị học (Đại học KHXH&NV TP.HCM) nói rằng, khác với đường Nguyễn Huệ đa phần là công ty, khách sạn, đường Lê Lợi có hàng nghìn nhà dân hai bên. Nếu biến nơi đây thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Về nguyên tắc, thành phố tổ chức không gian vui chơi giải trí nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống người dân tại chỗ và xung quanh.
Ngoài ra, khi kéo dài phố đi bộ từ Nguyễn Huệ sang Lê Lợi, sẽ thu hút lượng người đổ về rất đông. Thành phố phải có đội ngũ đảm bảo an ninh, trật tự khổng lồ và cần có thêm nhiều bãi giữ xe, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn uống... "Những vấn đề này đã phát sinh từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động, giờ mở rộng sẽ càng phức tạp", ông Hòa nói.
Tương tự, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố tạo thêm không gian đi bộ cho người dân là tốt, song biến trục đường Lê Lợi thành phố đi bộ như mô hình đường Nguyễn Huệ lại là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.
"Đường Nguyễn Huệ nhỏ hơn, chỉ giao cắt các đường nhỏ dạng xương cá nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Trong khi trục Lê Lợi có hai đường lớn là Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa băng qua, chắc chắn sẽ gây trở ngại trong việc đi lại của người dân", ông Sơn khuyến cáo.
Khi trục Lê Lợi bị biến thành phố đi bộ, khu trung tâm TP.HCM sẽ bị cắt làm đôi. Các loại xe phải đi vòng đến hết đường này mới quay lại được. Nếu thành phố không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ rất lúng túng khi xảy ra sự cố: xe cứu hỏa không có đường chạy vào, người bên trong không có đường chạy ra...
Cùng quan điểm không ủng hộ làm "siêu" phố đi bộ, TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho biết, thành phố cần ưu tiên đất cho giao thông vì khu trung tâm vốn thường xuyên kẹt xe.
"Phố đi bộ là nguyên cả một tuyến phố, là không gian công cộng chỉ dành cho người đi bộ và cấm xe hoàn toàn. Còn đường đi bộ chỉ là một khu vực nhỏ, bố trí cho cả người đi bộ và có xe chạy xung quanh. Hai cái này cần phân biệt rõ", ông Cương nói và cho rằng nếu quy mô đường đi bộ quá lớn, lấn vào hoạt động của đường giao thông, gây trở ngại cho các loại xe lưu thông thì không nên.
Theo ông Cương, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phải được bàn bạc cho toàn diện. Trong đó, phải tính toán các mặt: giao thông, giao tiếp, nhu cầu phục vụ những người đi bộ, các công trình cần có lợi hơn cho sự phát triển của thành phố.
Định hướng không gian phố đi bộ Lê Lợi theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. |
Nên lập các khu đi bộ quy mô nhỏ
Thay vì quy hoạch đường Lê Lợi thành phố đi bộ, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, thành phố nên kéo dài không gian phố đi bộ từ Nguyễn Huệ tới Đồng Khởi và kéo lên phía xung quanh nhà thờ Đức Bà (Quảng trường 30/4). Hai khu vực đi bộ nên có quy hoạch chức năng riêng biệt. Trong đó, không gian âm nhạc và nghệ thuật ở xung quanh nhà thờ Đức Bà; còn đường Nguyễn Huệ dành cho vui chơi giải trí, ẩm thực...
"Đây không chỉ là nơi để người ta đi bộ, mà phải là một không gian có sức sống. Nếu mở rộng như đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, để duy trì được nó là điều không đơn giản", ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, thành phố không nên tiếp tục tập trung quá nhiều hoạt động vui chơi giải trí đông người ở khu trung tâm. Hiện, mỗi lần có bắn pháo hoa lượng người đổ đến đây là rất lớn, chỉ cần một sự cố có thể khiến nhiều người thương vong.
"Thay vào đó, thành phố nên tạo ra một khu vực mới có quy mô hoành tráng, hiện đại, hấp dẫn hơn để hút bớt dân cư ra. Đó có thể là những khu đô thị được quy hoạch mới, còn nhiều không gian như quận 2, khu Phú Mỹ Hưng quận 7...", ông Hòa gợi ý.
Còn TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý thành phố nên quy hoạch thành những cụm phố đi bộ nhỏ. Cụm thứ nhất là đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, có thể nối tới đường sách, kéo từ phía nhà thờ Đức Bà ra tới bến Bạch Đằng.
Giao thông xung quanh có đường Pasteur, đường Hai Bà Trưng, phía đầu trên có đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn; các loại phương tiện, đặc biệt là xe cứu hỏa, cứu thương dễ dàng tiếp cận nếu xảy ra sự cố.
Cụm thứ hai là phố đi bộ Bùi Viện nối ra đến Công viên 23/9. Khu vực này có đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Trãi... kết nối. Bán kính đi bộ ở cả hai cụm này là vừa phải, không quá dài.
Trong khi đó TS Võ Kim Cương đề nghị thành phố quy hoạch đường Đồng Khởi thành trục đi bộ hơn là chọn đường Lê Lợi. "Đường này có quy mô nhỏ hơn, từ Bến Bạch Đằng xuống nhà thờ Đức Bà. Mật độ xe lưu thông không quá cao, cũng không giao cắt nhiều như Lê Lợi, Hàm Nghi nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông trong khu vực", ông Cương nói.
Theo VNE