Thảm họa kép ở Indonesia: Không còn tiếng kêu cứu, hy vọng tắt dần

Thứ sáu, 05/10/2018, 11:32
6 ngày sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng tại Indonesia, lực lượng cứu hộ không còn nghe thấy tiếng kêu cứu từ các nạn nhân. Điều này đồng nghĩa với việc những ai bị mắc kẹt có thể đều đã chết.

Một em nhỏ bị thương khắp cơ thể sau thảm họa kép ở Indonesia (Ảnh: AP)

Khi lực lượng cứu hộ tới khách sạn Roa Roa ở trung tâm thành phố Palu, họ vẫn còn nghe thấy tiếng của những vị khách bị mắc kẹt bên trong. Tòa nhà cao 8 tầng này đã bị kéo sập sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 28/9, chôn vùi nhiều nạn nhân bên dưới đống đổ nát.

Tuy nhiên đó là câu chuyện xảy ra vài ngày trước đây. Còn bây giờ, tại thành phố bị tàn phá nặng nề này và cả những khu vực xung quanh, những gì còn lại chỉ là sự im lặng.

Gần một tuần trôi qua kể từ khi trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao 6m tàn phá đảo Sulawesi của Indonesia, khiến gần 1.600 người thiệt mạng tại Palu và các vùng lân cận. Các đội cứu hộ có mặt tại khách sạn Roa Roa để tìm kiếm các nạn nhân sau thảm họa kép đã mô tả sự im lặng bất thường ở khu vực này.

Ngày 4/10, khi các nhân viên cứu hộ đào xới khắp thành phố Palu, họ không còn nhận được các cuộc gọi cứu trợ khẩn cấp nữa. Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi đội cứu hộ lần cuối cùng nghe thấy tiếng kêu cứu từ các nạn nhân sau thảm họa.

Đội cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân và khắc phục hậu quả sau động đất/sóng thần tại Indonesia (Ảnh: AP)

Một tia hy vọng lóe lên vào tối qua khi nhóm Pompiers de l’urgence của Pháp, một trong số các đơn vị tham gia hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả sau thảm họa tại Indonesia, cho biết các thiết bị cảm biến công nghệ cao của họ đã “phát hiện dấu hiệu của một nạn nhân còn sống” bên dưới đống đổ nát của khách sạn Mercure ở Palu.

Tuy nhiên nhiều giờ sau đó, nhóm cứu hộ Pháp vẫn chưa thể xác định rằng liệu thực sự có người còn sống bên dưới đống đổ nát đó hay không. Nhiều yếu tố khách quan có thể khiến thiết bị cảm biến, vốn được dùng để đo những tín hiệu như hơi thở hay nhịp tim của người bị chôn vùi dưới đống đổ nát, hoạt động sai sót và đưa ra kết quả không chính xác.

Khi trời tối, nhóm cứu hộ gồm 5 thành viên buộc phải tạm dừng việc tìm kiếm. Cả nhóm chỉ có một máy khoan cầm tay và thiết bị này không đủ mạnh để giúp họ xuyên thủng các khối bê tông dày.

“Chúng tôi phải khoan xuyên qua bê tông để có thể xác minh và tiếp cận với nạn nhân”, Philip Besson, một thành viên của nhóm cứu hộ Pháp, cho biết.

Tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa kép ở Indonesia, dường như không còn bất kỳ tiếng kêu cứu nào nữa. Ở trung tâm Palu, một số tòa nhà vẫn trụ vững dù bị tác động rất mạnh của động đất và sóng thần, trong khi ở Petobo, những gì còn sót lại là cả một vùng đất đổ nát sau thảm họa.

Hy vọng tắt dần

Các binh sĩ Indonesia kéo thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát ở Palu (Ảnh: Reuters)

Tại Petobo, do tác động của động đất và sóng thần cùng một lúc nên mặt đất bị hóa lỏng, “nuốt chửng” hàng loạt ngôi nhà và nhiều tuyến đường. Lực lượng cứu hộ không chắc rằng họ có thể tìm thấy bất kỳ ai còn sống sót ở đây hay không. Suốt nhiều ngày qua, các đội cứu hộ đã tập trung tìm kiếm các thi thể. Họ thậm chí phải đào sâu dưới lớp bùn dày tới 6m.

“Họ (đội cứu hộ) đã nhận thấy sự tàn phá và thảm kịch ở khắp mọi nơi. Khi đến Petobo, chúng tôi nhận ra rằng nơi này dường như bị xóa khỏi bản đồ”, Iris van Deinze, người phát ngôn Ủy ban Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế, cho biết khi đi cùng một trong những nhóm cứu hộ đầu tiên tới Petobo.

Vào rạng sáng, khi công việc khắc phục hậu quả sau thảm họa chuẩn bị bắt đầu, mọi thứ vẫn còn yên ắng và tĩnh lặng. Nhưng chỉ sau 9 giờ sáng, Petobo trở thành một nơi náo nhiệt với rất nhiều hoạt động khi các nhân viên cứu hộ tỏa ra các khu vực để làm việc. Họ dùng xe ủi để mở đường, sau đó chia thành các nhóm nhỏ hơn. Các nhân viên cứu hộ dùng các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thậm chí tay không để đào bới.

Đôi lúc những người hàng xóm hoặc khách qua đường có thể ngửi thấy mùi tử thi phân hủy và chỉ cho đội cứu hộ để giúp họ tìm kiếm. Khi đó, đội cứu hộ sẽ phải tính toán cẩn thận xem làm thế nào để đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát một cách nguyên vẹn.

Người dân tranh nhau nhận hàng cứu trợ từ trực thăng ở bên ngoài trại sơ tán tại Donggala (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực cứu hộ vừa mới bắt đầu ở những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, trong khi những khu vực khác vẫn chưa thể tiếp cận được. Điều này đồng nghĩa với việc số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng lên đáng kể trong thời gian tới.

Tại khu vực Balaroa gần đó, cảnh tượng tương tự cũng diễn ra trong những ngày vừa qua. Các thành viên đội cứu hộ đeo găng tay, cẩn thận kéo thi thể một cậu bé từ dưới đất lên. Cách đó không xa, họ cũng tìm thấy thi thể một phụ nữ đang ôm chặt một đứa trẻ.

Mặc dù đã rất nỗ lực, song các hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra chậm chạp và khó khăn. Các đội cứu hộ vẫn thiếu các thiết bị hạng nặng để có thể đào bới và dọn dẹp đống đổ nát. Họ cũng không có đủ nhân lực giàu kinh nghiệm để có thể tìm kiếm những người còn sống sót bên dưới đống đổ nát. Phần lớn những người còn mắc kẹt được cho là đã chết.

Theo thống kê của cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia, vẫn còn hơn 100 người mất tích, ít nhất 70.000 người mất nhà cửa và 2.500 người bị thương đang được điều trị tại các trung tâm y tế. Mặc dù hàng cứu trợ như lương thực và nước uống bắt đầu được chuyển tới các khu vực bị ảnh hưởng sau thảm họa, song một số nơi vẫn không thể tiếp cận được do đường sá bị hư hỏng và thông tin liên lạc bị đứt quãng.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn