Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông" khi cắt mặt tàu chiến Mỹ ở Trường Sa

Thứ sáu, 05/10/2018, 14:13
Hành động quyết liệt chưa từng có của tàu chiến Trung Quốc chỉ khiến nước này bị cô lập và làm Mỹ gia tăng áp lực trên mọi phương diện.

Tàu khu trục Lan Châu lớp Lữ Dương II (Type-052C) của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLA Daily.

Hải quân Trung Quốc hôm 30/9 triển khai tàu khu trục Lan Châu ngăn cản chiến hạm USS Decatur của hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong lần chạm trán này, tàu chiến Trung Quốc đã có những động thái "chưa từng thấy", khi di chuyển theo kiểu cắt mặt và áp sát Decatur ở khoảng cách chỉ 41m.

Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng hành động quyết liệt đến bất ngờ này của tàu chiến Trung Quốc nhiều khả năng là một đòn "nắn gân" Mỹ, được phê chuẩn từ Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm thể hiện sự cứng rắn của nước này với Washington sau một loạt căng thẳng trong thương mại, cấm vận quân sự và quan hệ với Đài Loan.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cách hành xử hung hăng, phớt lờ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển cũng như luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ là đòn "gậy ông đập lưng ông", không chỉ phản tác dụng với Bắc Kinh mà còn ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Mark J. Valencia, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc, viết trên SCMP rằng những cuộc chạm trán như giữa tàu Decatur và Lan Châu không phải là do vô tình, mà là hành động có chủ ý nhằm "kiểm tra giới hạn và phát đi thông điệp".

"Giới hạn" mà Trung Quốc muốn kiểm tra ở đây chính là khả năng áp đặt luật chơi trên Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này bằng việc đơn phương vẽ ra "đường chín đoạn" và coi toàn bộ mặt biển, tài nguyên dưới đáy biển cũng như vùng trời phía trên là của họ, theo Forbes.

"Theo quan điểm của Trung Quốc, Biển Đông là sân nhà của họ và họ không muốn bất cứ người ngoài nào có mặt ở đó", Jean-Francois Fiorina, phó giám đốc Đại học Quản lý Grenoble, Pháp, nhận định. "Quan điểm này xuất phát từ yếu tố quân sự và chiến lược, khi họ muốn bảo vệ các tuyến hàng hải đưa hàng hóa Trung Quốc ra nước ngoài".

Fiorina cho rằng vụ tàu chiến Lan Châu áp sát khu trục hạm Decatur là minh chứng cho thấy Trung Quốc muốn áp đặt quy tắc hàng hải của riêng mình trên Biển Đông, bất chấp các quy định và thông lệ của luật pháp quốc tế. Tham vọng độc chiếm Biển Đông cũng thúc đẩy Bắc Kinh phản ứng một cách quyết liệt mỗi khi tàu chiến Mỹ và đồng minh tiến gần các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, dù những phương tiện này đang di chuyển trên vùng biển quốc tế.

Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP

Về mặt an ninh và quân sự, hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế được nhiều quốc gia trong khu vực thừa nhận và tôn trọng. Việc tàu chiến Trung Quốc cố tình tìm cách cản trở hoạt động này sẽ đẩy Bắc Kinh vào thế đối nghịch với thông lệ được quốc tế công nhận rộng rãi, với Mỹ và các đồng minh như Nhật, Pháp, Anh, Australia, những nước đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông bằng các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải.

Hành vi ngăn trở "nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" của tàu Lan Châu vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ. Chuyên gia Euan Graham từ Viện Lowy cho rằng khi tàu Lan Châu áp sát ở khoảng cách 41 m, nếu tàu Decatur không chuyển hướng gấp, "chắc chắn sẽ có va chạm giữa hai chiến hạm và lập tức gây thương vong cho thủy thủ cả hai bên, thậm chí là cuộc xung đột lớn hơn".

Các chuyên gia phân tích cho rằng cách hành xử này của Trung Quốc sẽ không khiến Mỹ chùn bước trên Biển Đông, mà Washington nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực, kể cả an ninh lẫn thương mại.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ vừa đề xuất kế hoạch tổ chức một loạt cuộc diễn tập tại khu vực rộng lớn kéo dài Biển Đông tới eo biển Đài Loan trong tháng 11, với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay, nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Washington và phát thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh, CNN hôm 3/10 dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng cấp cao.

Kế hoạch diễn tập này được thiết kế như một lời cảnh báo tới Trung Quốc, nhắc nhở các lãnh đạo nước này rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng đối phó nhanh chóng với bất cứ kẻ thù tiềm tàng nào.

Fiorina cho rằng cách với phản ứng này của Mỹ, nếu hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử như trong vụ áp sát tàu Decatur, nguy cơ nổ ra đụng độ bất ngờ sẽ rất cao, gây ra những hậu quả khó lường. "Cuộc chiến tiếp theo có lẽ sẽ nổ ra trên Biển Đông", chuyên gia này nhận định. "Nhiều quốc gia rất lo ngại về môi trường địa chính trị tương lai ở đây".

Về chính trị, những vụ "cắt mặt" tàu chiến Mỹ như vậy thể hiện lập trường cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông và sẽ thúc đẩy tâm lý dân tộc chủ nghĩa tăng cao ở nước này. Tuy nhiên, chính tâm lý dân tộc chủ nghĩa này có thể đẩy Bắc Kinh vào thế khó trong cuộc đối đầu trên nhiều mặt trận với Mỹ.

Qua những vụ như vậy, người Trung Quốc sẽ khó chấp nhận để lãnh đạo nước này nhượng bộ Mỹ trong chiến tranh thương mại, khiến cánh cửa đàm phán trở nên hẹp hơn. Trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ trên biển, Bắc Kinh cũng có ít lựa chọn hơn để giảm nhiệt căng thẳng.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.

Về kinh tế và thương mại, đối diện với cách hành xử cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược nơi gần 5 nghìn tỷ USD hàng hóa của thế giới di chuyển qua mỗi năm, Mỹ sẽ có những biện pháp gây sức ép lớn hơn với đối thủ. Cuộc chiến thương mại vốn rất khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc vì vậy nhiều khả năng sẽ tiếp diễn ở mức độ quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ hết sức tránh nguy cơ leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột. Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison mới đây kêu gọi các bên "giữ cái đầu lạnh" và không làm bất cứ điều gì gây thêm căng thẳng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng khẳng định Washington và Bắc Kinh đơn giản là đang có những bất đồng và cần học cách gạt bỏ những khác biệt.

"Chúng tôi cần phải học cách quản lý mối quan hệ", Mattis tuyên bố hôm 2/10. "Chúng tôi sẽ làm như vậy".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm qua khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Theo VNE

Các tin cũ hơn