Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Thời gian cấm biển thường là từ 1/5 đến 16/8.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian bị “cấm vận”, ngư dân Châu Thuận Biển (Quảng Ngãi) nói riêng và ngư dân duyên hải miền Trung nói chung vẫn kiên quyết bám lấy ngư trường Hoàng Sa để khai thác hải sản.
Tiếng vọng từ Hoàng Sa
Đầu tháng 10. Trời chuyển mùa mưa. Cảng cá Sa Kỳ buổi sớm mai tấp nập thuyền lớn, thuyền bé neo về bến đậu.
Chẳng mấy chốc, thuyền bè chật như nêm phủ kín cả một vùng biển nước mênh mông. Tàu nào tàu nấy đầy ắp cá tôm sau những chuyến đạp sóng vươn khơi. Cả bến cảng vui như trẩy hội.
Chậm chân hơn so với những con tàu khai thác hải sản gần bờ, một chiếc tàu của ngư dân Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cập cảng khi trời ngả bóng về trưa, mang theo những khấp khởi mong chờ của cả làng chài quanh năm nghe tiếng sóng vỗ xô bờ cát.
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt, ngư dân vẫn giong thuyền, cưỡi sóng ra quần đảo Hoàng Sa. |
Đó là con tàu có công suất 800 CV, mới hạ thủy vào cuối năm 2017 của ông Nguyễn Thanh Nam (xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển). Sau một tháng “ăn gió nằm sương” ở Hoàng Sa, 7 ngư dân cùng con tàu 4 tỷ đồng về lại đất liền.
Ra tận cảng Sa Kỳ đón tàu từ lúc tờ mờ sáng, đến khi tận mắt chứng kiến con tàu lừ lừ rẽ những mét sóng cuối cùng vào bờ, ông Nam hồ hởi khoe: “Đây là chuyến vươn khơi thứ 5 trong vòng 10 tháng qua của con tàu mới nhất tôi đóng. Tất nhiên, tàu chỉ chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và tất tần tật nguồn thu hải sản cũng đều được khai thác ở quần đảo này”.
Ông Nam tâm sự, cách đây 22 năm, ông là một thợ lặn cự phách. Cái thời, ông còn đạp sóng vươn khơi trên chiếc thuyền công suất 22 CV được gắn thêm cánh buồm.
“Năm 1996, trong một lần hành nghề lặn ở Hoàng Sa, tôi không may bị tai nạn lao động và đành chấp nhận từ bỏ nghiệp đánh bắt. Thế nhưng, tiếng vọng từ Hoàng Sa như thể thúc giục tôi phải làm một điều gì đó.
Và rồi, 3 chiếc tàu với công suất trên dưới 800 CV lần lượt được tôi đánh cược sổ đỏ vay vốn Nhà nước để đóng cho cậu em cùng 2 con trai của mình thẳng tiến ra Hoàng Sa. Ngoài chiếc tàu hôm nay mới cập cảng thì ngay lúc này, 2 chiếc còn lại của gia đình tôi đang hiện diện ở quần đảo còn có tên gọi là Bãi Cát Vàng”, ông Nam vững tin nói.
Trong số những chiếc thuyền cập về cảng Sa Kỳ, có không ít tàu của ngư dân Châu Thuận Biển chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. |
Rời cảng Sa Kỳ, chúng tôi tiếp tục theo chân ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu) tìm về thôn Châu Thuận Biển – ngôi làng được mệnh danh là làng Hoàng Sa.
Làng trải dài men theo triền con sóng. Những ai đặt chân tới làng lần đầu như tôi ắt hẳn đều ngạc nhiên. Bởi lẽ, ngoài các cụ già râu tóc bạc phơ, phụ nữ ngồi bên mép cửa đan lưới cùng lũ trẻ thơ tung tăng chơi nhởi thì ở Châu Thuận Biển, rất khó bắt gặp hình bóng của cánh đàn ông trai tráng.
Ông Hùng lý giải, ngoại trừ những ngày trời nổi giông tố, còn lại cứ sóng yên biển lặng là các ngư phủ ở làng Hoàng Sa đều “ăn dầm ở dề” ngoài đảo.
“Nói tới ngư trường Hoàng Sa thì không thể nào không nhắc tới Châu Thuận Biển. Bao đời qua, nam nhi trong làng này sinh ra là để đạp sóng ra Hoàng Sa đánh bắt. Trong con số dao động từ 300 - 400 thuyền của tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa thì có đến không dưới 150 chiếc (tất cả đều có công suất trên 90 CV) của ngư dân Châu Thuận Biển. Chính con số thống kê này đã tạo nên biệt hiệu làng Hoàng Sa cho làng chài nổi tiếng này”, ông Hùng cho hay.
Nếu Châu Thuận Biển gắn liền với tên gọi làng Hoàng Sa thì ở phạm vi hẹp hơn, xóm Gành Cả của thôn này được nhiều người ví von như xóm Hoàng Sa.
Theo ông Hùng, trong số 150 tàu của toàn thôn Châu Thuận Biển, riêng xóm Gành Cả đã chiếm tới 100 chiếc. Đặc biệt, 100% ngư dân Gành Cả chưa bao giờ đánh bắt ở ngư trường nào khác ngoài cái tên Hoàng Sa đã ăn sâu vào máu thịt.
“Bị ngăn cản, rượt đuổi, chúng tôi vẫn cưỡi sóng ra Hoàng Sa!”
Dừng chân ở xóm Gành Cả, chúng tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (50 tuổi) đang phóng tầm nhìn về phía vùng biển Hoàng Sa.
Tôi còn nhớ như in, cái đêm 22 tháng 4 vừa qua, ông Ngọt cùng 5 bạn thuyền khác được đưa về tới cảng Sa Kỳ trong sự phẫn uất tột độ.
Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt kể lại giây phút bị hai tàu lạ tấn công ở Hoàng Sa |
Bây giờ, khi cơn thịnh nộ đã dần nguôi ngoai, ông Ngọt cũng bình tĩnh hơn khi nhắc lại vụ bị tàu lạ đâm chìm giữa trùng khơi. Ông Ngọt kể, vào chiều 20/4, tàu cá 720 CV của ông cùng 5 ngư dân địa phương khác đang đánh bắt ở vị trí cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 6 hải lý thì xuất hiện 2 tàu lạ mon men áp sát.
“Trên 2 con tàu treo cờ Trung Quốc này có khoảng độ 50 người. 2 tàu sắt sau khi tiếp cận đã thường xuyên húc vào tàu cá của tôi khiến tàu bị vỡ đường hồ, vỡ ván dẫn tới nước tràn vào khoang. Sau hơn 1,5 giờ đồng hồ truy đuổi, khi tàu tôi không may bị chết máy thì bọn chúng mới bắt kịp. Cả chục tên mang dùi cui, súng tràn sang tàu cá, ép chúng tôi điểm chỉ tay vào tờ giấy tụi nó soạn sẵn bằng chữ Trung Quốc”, ông Ngọt nhớ lại.
Sau khoảng thời gian khống chế các ngư dân trên tàu cá của ông Ngọt, những kẻ ngang ngược đi trên 2 con tàu lạ rời đi. Ông Ngọt và 5 ngư dân trên tàu cá ra sức tìm cách khắc phục sự cố tràn nước vào khoang nhưng đành bất lực.
Khi con tàu dần chìm nghỉm dưới lòng đại dương, các ngư dân gặp nạn may mắn được một tàu ở cùng địa phương cứu vớt, đưa về đất liền an toàn.
Sau khi được hỗ trợ 700 triệu đồng, ông Ngọt đã mạnh tay chi 3,3 tỷ đồng để đóng tàu mới. |
Nghe đến đây, tôi hỏi: “Bị tấn công, uy hiếp đến mất cả tàu như vậy ông có sợ không?” Chẳng chút chần chừ, người đàn ông 50 tuổi đời nhưng có thâm niên ngót 35 năm lăn lộn ở Hoàng Sa dõng dạc tuyên bố: “Không bao giờ. Nếu sợ thì tôi hay hàng trăm ngư dân ở làng Châu Thuận Biển đã chẳng bén mảng tới Hoàng Sa. Từ xưa tới chừ đã vậy, việc bị rượt đuổi, đâm tàu ngay giữa quần đảo Hoàng Sa đối với chúng tôi diễn ra như cơm bữa. Đã là cơm bữa thì thói quen rồi, có gì đâu mà ngại”.
Minh chứng cho những câu nói hùng hồn trên chính là hành động quyết liệt của ông Ngọt. Chính xác là ngay sau khi con tàu trị giá 1,8 tỷ đồng chính thức “bỏ mạng” và nằm lại ở Hoàng Sa, vừa quay về đất liền, ông Ngọt đã mạnh tay chi hàng tỷ đồng để đóng tàu mới.
“Thế chấp 2 căn nhà gần 3 tỷ đồng, cộng với số tiền 700 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, tôi quyết định đóng ngay chiếc tàu mới 3,3 tỷ đồng. Đầu tháng 8 vừa qua, con tàu chính thức hạ thủy và liền lập tức mũi thuyền hướng về hướng Hoàng Sa.
Tôi mới trở về từ Hoàng Sa vào khoảng đầu tháng 9 thì đến giữa tháng, cậu con trai của tôi cùng anh em bạn thuyền đã cho giong thuyền ra lại Hoàng Sa. Một khi dòng máu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc còn chảy thì không có lý do gì chúng tôi không bám trụ Hoàng Sa”, ông Ngọt quả quyết.
Ngư dân làng Hoàng Sa vẫn một lòng hướng về quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. |
Hoàng hôn dần buông. Nắng chiều phả một màu vàng rực trên bề mặt con sóng ven ngôi làng Châu Thuận Biển. Trên bờ, ông Ngọt vẫn đổ ánh mắt đầy hy vọng về phía Hoàng Sa - Bãi Cát Vàng đã mang lại cơm ăn, áo mặc cho bao thế hệ người dân làng chài quanh năm bám biển mưu sinh.
Và nói như ông Ngọt, câu cửa miệng “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” sẽ mãi là hành trang theo chân những cư dân Châu Thuận Biển trên muôn dặm nẻo đường vươn khơi đánh bắt ở biển trời mênh mông Hoàng Sa.
Theo VTC