Chưa lý giải được nguyên nhân
Theo Guardian, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân chính xác của thảm họa.
Trận động đất xảy ra ngày 28/9 tại Indonesia không phải là động đất đẩy (thrust earthquake), loại động đất gây ra phần lớn các vụ sóng thần, khi những mảng kiến tạo di chuyển theo chiều dọc lên xuống khiến nước bị thế chỗ.
Thay vào đó, trận sóng thần gây ra bởi động đất trượt (strike-slip fault), khi các mảng kiến tạo di chuyển theo chiều ngang. Theo giáo sư Phil Cummins tại Đại học Australia, những trận động đất loại này thường chỉ gây ra sóng thần nhỏ.
Một nhà thờ bị hư hại gần bãi biển Talise ở thành phố Palu, Sulawesi, Indonesia. (Ảnh: HOTLI SIMANJUNTAK / EPA-EFE / EPA) |
Cũng có ý kiến cho rằng trận động đất ngày 28/9 có thể đã gây ra nứt vỡ dưới đáy biển làm nước bị chiếm chỗ khiến sóng thần xảy ra. Sự nứt vỡ này có thể xảy ra gần khu vực vịnh Palu, gần bờ hoặc xa hơn về phía biển.
Thông thường sóng thần gây ra bởi các trận động đất cách bờ hàng trăm km, độ rung hiếm khi cảm thấy được trên mặt đất. Trong khi đó trận động đất ở Indonesia có tâm chấn trên đất liền. “Rất bất thường khi xuất hiện một thảm họa kép như thế này” – ông Cummins nói.
Hệ thống cảnh báo sớm có hoạt động không?
Có những ý kiến cho rằng cơ quan khí tượng Indonesia BMKG có thể đã rút cảnh báo sóng thần quá sớm, trước khi những cơn sóng tấn công Palu, vì vậy phải chịu trách nhiệm cho một phần thiệt hại về người. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phao sóng thần làm nhiệm vụ phát hiện động đất, sóng thần trong hệ thống cảnh báo sớm có thể đã không được sử dụng trong 6 năm liền và bị hỏng.
“Việc tập trung vào lỗi kỹ thuật ở đây là sai lầm vì nó là một trận sóng thần xảy ra ở địa phương. Trong trường hợp này bạn không thể phụ thuộc vào hệ thống cảnh báo mà phải tìm lên chỗ đất cao ngay lập tức. Họ không thể chờ đến khi có còi hoặc báo động mà phải di chuyển ngay lập tức. Vấn đề là, từ những gì tôi thấy trong video được ghi lại, nhiều người không làm điều đó.” – Cummins nói thêm.
Ông cho rằng dù người dân không biết họ cần phải sơ tán ngay hay họ không nghĩ có chuyện gì sẽ xảy ra thì điều đó cũng cho thấy người dân Sulawesi không được cung cấp đầy đủ kiến thức về cách ứng phó trong những trường hợp này và đó là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng.
Tại sao thiệt hại lại lớn tới như vậy?
Một số ước tính cho rằng sóng thần đã di chuyển với tốc độ 800 km/h ở Palu và chậm lại đáng kể trước khi vào bờ. Sóng dâng cao 6m ở một số khu vực và đổ bộ khoảng 1km vào đất liền.
Một số ý kiến cho rằng hình dáng hẹp của vịnh Palu khiến cơn sóng tập trung và bị khuếch đại về sức mạnh. Vịnh Palu là một vịnh rất sâu nên có thể khiến sóng thần di chuyển với tốc độ cao, ông Cummins nói.
Theo VTC