Đề xuất chuyển đường bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay Long Thành

Thứ hai, 22/10/2018, 16:46
Tư vấn đề xuất chuyển 85% chuyến bay quốc tế và 12% chuyến bay quốc nội của Vietnam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ra sân bay Long Thành (Đồng Nai) khi hoàn thành. Với đường bay của các hãng hàng không còn lại sẽ khai thác sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng 22/10, Bộ GTVT đã họp nghe báo cáo đầu kỳ công tác khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Ông Nguyễn Khắc Phong, Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án Long Thành (Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) cho biết, tiến độ triển khai tổng thể các hạng mục của Tư vấn JFV đã đáp ứng được yêu cầu theo hợp đồng.

Thiết kế hình hoa sen được chọn cho nhà ga sân bay Long Thành.

Hiện một số công việc đã hoàn thành, như: Thu thập dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu; Dự báo nhu cầu; Đề xuất phân chia khai thác giữa CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành; Nghiên cứu thiết kế địa thế; Giao thông kết nối… Riêng việc khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu thiết kế nhà ga hành khách đã vượt tiến độ hợp đồng.

Về khai thác mạng đường bay, tư vấn đề xuất, sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 85% chuyến bay quốc tế và 12% chuyến bay quốc nội của Vietnam Airlines (đường bay TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Đà Nẵng).

Các hãng hàng không khác như: Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways (nếu có) sẽ khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất.

“Cục Hàng không và ACV đã đề nghị các hãng hàng không có ý kiến về việc phân chia khai thác này trước khi hoàn chỉnh lại báo cáo”, ông Phong cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho rằng, cần có định hướng sớm để khi thiết kế sân bay Long Thành có thể đáp ứng được sự phát triển trước mắt và lâu dài, đảm bảo điều hoà hoạt động của cả 2 sân bay.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu, các bên liên quan tuyệt đối không có chuyện lùi tiến độ, các đơn vị cần lập lại kế hoạch chi tiết về nội dung công việc phải làm.

Theo ông Thọ, trong kế hoạch chi tiết cần làm rõ đầu mối, 2 tuần sẽ giao ban một lần về tiến độ dự án, cần thiết 1 tuần 1 lần. Tháng 3 phải cơ bản xong Báo cáo F/S.

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) sớm hoàn chỉnh phương án giao thông tiếp cận sân bay Long Thành; Tư vấn JFV, ACV, Cục Hàng không làm rõ hình thức đầu tư, phương án tài chính.

“Trong phân khu chức năng, cần làm rõ hạng mục nào làm theo hình thức hợp tác công - tư, hạng mục nào kêu gọi đầu tư, hạng mục nào nhà nước đầu tư trực tiếp, như khu sửa chữa, xăng dầu có thể xã hội hóa”, ông Thọ yêu cầu.

Mới đây, Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng đã có báo cáo Quốc hội về Dự án sân bay Long Thành. Theo đó, sân bay Long Thành dự kiến xây dựng ở cấp độ 4F, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.

Kế hoạch lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi kéo dài trong khoảng 1,5 năm, sau đó trình, thẩm định báo cáo trước khi trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 10/2019; Thủ tướng sẽ phê duyệt dự án vào tháng 12/2019.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tiến độ thực hiện dự án như hiện nay sẽ đáp ứng được yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội. Hiện, Hội đồng thẩm định nhà nước đang rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm tra để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, dự án giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu.

Dự án sân bay Long Thành dự kiến được chia thành 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336.000 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn