|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ảnh: TTXVN |
Giảm hơn 86 nghìn biên chế
Báo cáo trước Quốc hội về tinh hình kinh tế, xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 trong phiên khai mạc, sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nhờ đó kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%).
“Với xu hướng tốt như hiện nay, tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 có thể sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5 - 7%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%). Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định, quyết định để thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đã giảm số lượng lớn các Tổng cục, Vụ, cục thuộc Bộ và giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn công chức.
Xử lý nghiêm minh “Vũ nhôm”, “Út trọc”
Đặc biệt, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước.Công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai; nghiêm túc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt. Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp.
Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”…), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều sức ép, hạn chế về kinh tế, xã hội. Trong đó, chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp chưa cao. Xảy ra sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở một số địa phương. Vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, tình trạng khiếu kiện về đất đai diễn biến phức tạp. Nhiều cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản không bảo đảm an toàn, gây ô nhiễm môi trường . Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi, phá rừng trái pháp luật. Thu gom, xử lý rác thải ở nhiều nơi còn bất cập, dẫn đến khiếu kiện đông người.
“Công tác cán bộ còn những yếu kém, phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Dư luận về tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan, đơn vị. Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm giảm sút niềm tin của nhân dân”, Thủ tướng cho hay.
Theo Tiền Phong