|
Cử tri mang bản đồ đến nêu ý kiến. |
Sáng 20/10, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 tại Nhà thiếu nhi quận này.
Cử tri Phạm Văn Thoi, phường Cát Lái cho biết, mình cũng là một trong những nạn nhân của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng với ông Thoi vẫn còn hơn 100 người kiên trì đeo bám khiếu nại suốt nhiều năm qua.
Theo ông Thoi, thiếu sót của TP.HCM là chính sách sau tái định cư, không tìm hiểu cuộc sống của những người dân bị giải tỏa của dự án đang ở đâu, làm gì, ai còn, ai mất. Thành phố có dấu hiệu như “đem con bỏ chợ”.
|
Cử tri 82 tuổi nhiều năm khiếu kiện nêu ý kiến. |
Việc nhiều năm khiếu kiện nhưng vẫn không được giải quyết thoả đáng khiến người dân mất niềm tin. “Đau khổ nhất, mất nhiều nhất là mất niềm tin. Niềm tin đã mất thì rất khó lấy lại. Đề nghị thanh tra toàn diện dự án khu đô thị Thủ Thiêm chứ không chỉ xem xét một vài ý kiến khiếu nại. Chỉ thanh tra toàn diện mới ra vấn đề”, ông Thoi kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Văn Học, cử tri phường Cát Lái đặt câu hỏi, HĐND TP.HCM và các quận huyện hoạt động tốt nhưng vì sao không giám sát, không phát hiện được sai phạm trong dự án khu Thủ Thiêm? “Vậy nói để dân không khiếu nại vượt cấp thì chỉ nói thôi chứ mình chưa làm được” - cử tri Học nói.
|
Tổ đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri. |
Theo ông Học, không chỉ có 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch mà còn nhiều khu vực khác. Ông Học đặt vấn đề: “Căn cứ vào đâu để bồi thường? căn cứ vào các quyết định trước thì không hợp pháp, ban hành quyết định mới thì theo giá nào? Hoán đổi đất thì đất nào? Giá trị đất cũ và mới ra sao?”
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, phường An Lợi Đông cho biết, gia đình có hơn 2.000m2 đất nhưng bị thu hồi mà không bồi thường khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khốn đốn.
“Không có dự án thì chúng tôi vẫn có nhà để ở, có ruộng để làm. Vì dự án chúng tôi mất nhà, con không được đến trường, không có ruộng để làm. Gia đình tôi phải đi làm thuê, ở nhờ. Mong Bí thư đến tìm hiểu. Đất thổ cư có đóng thuế mà cho là đất nông nghiệp, bồi thường 200 ngàn/m2, làm sao mua được nhà?”, bà Mỹ bức xúc.
Còn Mai Thị Cánh, phường Bình Khánh cho hay, nhà bà nằm mặt tiền trên đường Lương Định Của, nhà trên bến dưới thuyền, 8 phòng trọ, một cửa hàng nhỏ đủ sống. Năm 2017 bị thu hồi đất nhưng lại bồi thường giá của năm 2002.
|
Nhiều người không được vào phòng họp phải ngồi ngoài xem qua tivi. |
“Diện tích nhà 160m2 nhưng chỉ bồi thường 148m2. Sau đó phần chênh lệch được hỗ trợ bằng tiền vận động. Tuy nhiên, muốn nhận thì phải cam kết không được đi khiếu nại. Vì sao lạ lùng như vậy? vì sao bồi thường giá rẻ mạt như vậy?”, bà Cánh đặt vấn đề.
Bà Cánh cho hay, chồng bà tham gia 2 cuộc kháng chiến, chính bà cũng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, suốt 14 năm theo đuổi khiếu nại, tan gia bại sản vẫn không có kết quả. “Quận vận động cứ bàn giao nhà đất đi, quận cho hai nền nhưng sau đó không giao nền. Đến khi Bí thư gặp dân hôm trước thì hôm sau quận cho người cầm hai sổ đỏ của hai nền đến nhưng tôi không nhận”, bà Cánh nói trong bức xúc.
Theo Tiền Phong