|
Mua bất động sản ở những thành phố như Sydney là cách người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài |
Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc giàu lên nhờ thị trường bất động sản bùng nổ. Tuy nhiên, họ càng ngày càng thấy bất an do chính phủ ra sức kiểm soát giá nhà và hệ thống tài chính hỗ trợ trong khi bong bóng bất động sản luôn có nguy cơ bị vỡ.
Tình trạng này cộng thêm những vấn đề khác về xã hội và an ninh khiến giới nhà giàu Trung Quốc muốn chuyển tài sản và tìm nơi định cư an toàn ở nước ngoài, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Để ứng phó, Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc (SAFE) đang siết chặt quản lý việc chuyển tiền ra nước ngoài. Hồi cuối tháng 8, SAFE công bố 23 trường hợp vi phạm, trong đó có một người họ Vương bị phạt 1,45 triệu nhân dân tệ (gần 5 tỉ đồng) vì lén đưa 15 triệu nhân dân tệ ra nước ngoài để mua bất động sản. Bên cạnh đó, không ít quốc gia cũng đưa ra hàng loạt biện pháp để ngăn chặn dòng di cư ồ ạt từ Trung Quốc.
Từ tháng 8.2016, chính phủ Úc cấm 5 ngân hàng lớn của nước này cho người nước ngoài vay để mua bất động sản nếu đương đơn không có nguồn thu nhập tại chỗ. Mới đây, quốc hội New Zealand thông qua đạo luật cấm người không định cư ở nước này mua bất động sản, còn Canada dừng chương trình nhập cư diện đầu tư vì có quá nhiều người Trung Quốc nộp đơn, theo SCMP. Ở Đông Nam Á, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hồi tháng 8 tuyên bố sẽ không cho phép người nước ngoài mua căn hộ cao cấp trong dự án bất động sản ở bang Johor vì nguy cơ về chủ quyền và không có lợi cho người dân trong nước. Dự án này do một công ty Trung Quốc phát triển và đã có hàng trăm người từ đại lục đặt cọc mua căn hộ.
Bất chấp các rào cản, nhiều người giàu Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để có thể mua bất động sản và định cư lâu dài ở nước ngoài, khiến họ dễ dàng trở thành con mồi của các công ty lừa đảo. Hồi tháng 8, công ty bất động sản Ausin China bất ngờ đóng cửa 17 văn phòng tại Trung Quốc, sau khi đã nhận tiền cọc hơn 70 triệu AUD của khoảng 200 khách hàng với lời hứa giúp họ “lách luật” để mua nhà ở những thành phố lớn ở Úc như Melbourne, Sydney và Brisbane.
“Tôi nhận ra mình đã bị lừa vì quá nôn nóng muốn mua nhà ở Úc. Tuy nhiên, trong nước hiện có quá nhiều vấn đề gây bất an. Thị trường chứng khoán chao đảo vì xung đột thương mại với Mỹ, lạm phát ngày càng tăng, đồng tiền mất giá đáng kể và ngày càng khó kiếm tiền từ bất động sản”, một nạn nhân tên Raymond Trương nói với SCMP. Ông cho biết thêm vụ bê bối vắc xin giả gây chấn động Trung Quốc gần đây là “giọt nước tràn ly” khiến ông quyết định chuyển tài sản ra nước ngoài để định cư sau này. Trương nói ông cùng một số người khác sẽ kiện Ausin China, đồng thời khẳng định dù không lấy lại được tiền cọc, ông vẫn sẽ tìm cách khác để ra đi.
Theo Thanh Niên