|
Ngày ông Phạm Văn Bình trở về, bố mẹ và người anh trai duy nhất đã mất |
Chỉ đến khi một người dân Việt Nam đang làm việc tại Campuchia biết được hoàn cảnh của ông Bình, đăng tìm người thân cho ông trên mạng xã hội Facebook vào tháng 10.2018, thì con cháu mới biết ông vẫn còn sống và đưa ông trở về sau 39 năm được công nhận là liệt sĩ, hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tin.
Cuộc sống cơ cực nơi đất khách
Khuya 7.11, ông Bình đã được hai người cháu con của anh ruột là anh Phạm Trung Hiếu (53 tuổi) và chị Phạm Thị Lợi (36 tuổi) đưa từ Campuchia trở về quê nhà ở thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngày trở về, bố mẹ ông và vợ chồng người anh trai duy nhất cũng đã mất. Người thân của ông chỉ còn lại những đứa cháu, con của anh trai.
Nhớ lại quá trình lưu lạc nơi xứ người, ông Bình cho biết, vào năm 1979, khi đang làm nhiệm vụ đưa thông tin liên lạc, ông bị quân Pol Pot phục kích bắn bị thương ở đầu và tay chân, may mắn được người dân huyện Baray, tỉnh Kampong Thom (Campuchia) đi rừng phát hiện, cứu sống.
Ông Phạm Văn Bình ứa nước mắt khi nhớ lại quá trình lưu lạc tại Campuchia |
Sau khi phục hồi sức khỏe, ông đã cố gắng tìm đường trở về đơn vị nhưng bất thành do mất hết giấy tờ tùy thân. Hành trình lưu lạc của ông cũng bắt đầu từ đó. “Hồi ấy, việc liên lạc gặp nhiều khó khăn. Giấy tờ mất, muốn viết thư gửi về báo tin cho người thân nhưng cũng không biết gửi cho ai”, ông Bình rưng rưng nói.
Theo ông Bình, sau gần 1 năm được người dân cưu mang thì ông đi lên vùng khác để tìm việc làm. Cuộc sống của ông cứ nay đây mai đó. Những lúc trái gió trở trời, những vết thương cũ lại tái phát khiến sức khỏe ông suy giảm. Tuy vậy, để mưu sinh, không còn cách nào khác, ông phải đi làm thợ hồ hoặc ai thuê gì thì làm nấy. Thời gian cứ đằng đẵng trôi, ông Bình sống như người vô gia cư trong cảnh không nhà, không cửa, không họ hàng thân thích nơi đất khách.
"Thời gian đầu chưa biết tiếng Campuchia, người dân bên đó thương tình nên thuê tôi làm việc. Số tiền từ việc làm thuê kiếm được chỉ đủ để mua mấy bộ quần áo, thức ăn qua ngày. Không có nhà, tôi đi làm ở đâu thì xin người ta ở đó. Qua tiếp xúc với người dân bản địa, tôi dần dần cũng biết nói tiếng của họ", ông Bình tâm sự.
Ngôi nhà, nơi mà vợ chồng ông Bình cùng con gái sinh sống tại Campuchia |
Người thân ông Bình vui mừng trong ngày ông trở về sau 39 năm "hy sinh" |
Chị Phạm Thị Lợi (cháu ông Bình) kể: “Biết tin chú Bình còn sống nên gia đình vô cùng xúc động vì lâu nay cứ nghĩ chú hy sinh rồi. Ở Campuchia, gia đình chú sống tại một bản người dân tộc vùng sâu vùng xa, cách nông trường cao su hơn 200km. Ngôi nhà của vợ chồng chú là mái nhà tranh tạm bợ, bên trong chẳng có gì đáng giá”.
Niềm vui của hàng xóm khi gặp lại ông Bình |
“Sau khi ông Bình được xác định đã hy sinh, tên ông đã được ghi tên tại Đài tưởng niệm liệt sĩ của xã. Bây giờ, ông Bình còn sống trở về, nguyện vọng của gia đình sẽ cho ông Bình một mảnh đất để xây nhà. Chính quyền địa phương cũng sẽ vận động người dân và bố trí kinh phí để hỗ trợ xây nhà cho ông Bình”, ông Ngọc nói.
Nhiều người dân có mặt tại nhà người cháu của ông Bình để chia vui |
Ông Nguyễn Đình Tương, Phó Phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội huyện Kỳ Anh, cho hay sau khi nhận được tin ông Bình còn sống từ gia đình, Phòng đã phối hợp với UBND huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn gia đình làm các thủ tục làm lại giấy tờ cho ông.
“Hiện Phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh các hồ sơ của liệt sĩ trở về và các nhân chứng sống để trực tiếp báo cáo với cấp trên có hướng chỉ đạo tiếp theo. Chúng tôi cũng đang yêu cầu ông Bình làm tường trình về quá trình nhập ngũ, mất tích cho đến khi trở về cũng như nguyện vọng của ông và gia đình”, ông Tương nói.
Theo Thanh Niên