Lá bài mới của ông Trump về tị nạn

Thứ bảy, 10/11/2018, 11:36
Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa công bố những quy định mới cho phép Tổng thống có toàn quyền bác bỏ việc cấp cơ chế tị nạn với hầu hết mọi di dân vượt biên bất hợp pháp.

Các di dân Trung Mỹ chờ ngoài văn phòng của Cơ quan tị nạn LHQ tại thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 8-11 để đề nghị có xe buýt đưa họ tới biên giới Mỹ - Ảnh: Reuters

Lý do được đưa ra là Mỹ cần bảo vệ an ninh quốc gia trước các nguy cơ bên ngoài. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng từ chối nói cụ thể những đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng.

Có hiệu lực ngay?

Cho tới lúc này, chính quyền Mexico cho biết dòng di dân khởi hành từ các nước Trung Mỹ vẫn còn khoảng 4.000-5.000 người và họ đã tới Mexico City.

Nhiều đoàn di dân khác, quy mô nhỏ hơn với hàng trăm người, vẫn tiếp tục tiến về "miền đất hứa". Có thể đoán gần như chắc chắn những người này sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng ngay lập tức của các quy định mới.

Thêm nữa, những quy định này không áp dụng với những di dân nhập cảnh hợp pháp, ví như những người được phép nhập cảnh từ Mexico vào Mỹ sau khi đã qua khâu xử lý thủ tục của lực lượng biên phòng.

"Đất nước chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ ở biên giới phía nam" - thông báo của Bộ An ninh nội địa Mỹ nhấn mạnh lý do cần phải có những quy định mới siết chặt tình trạng nhập cư.

Thông cáo cũng cho rằng những tiêu chuẩn liên quan lâu nay trong cấp cơ chế tị nạn của Mỹ còn chưa tốt và thiếu hiệu quả. Dự kiến trong ngày 9-11, ông Trump nêu đích danh các quốc gia thuộc diện áp dụng luật định mới.

Theo báo Washington Post, các quy định mới cấm di dân vượt biên trái phép xin cơ chế tị nạn sẽ có hiệu lực ngay sau khi chúng được xuất bản trên tạp chí Federal Register ngày 9-11.

Washington Post dẫn luật nhập cư hiện nay của Mỹ cho biết những người nước ngoài khi tới Mỹ, nếu bày tỏ nỗi sợ phải trở về nước, có thể nộp đơn xin tị nạn để tránh bị trục xuất. Theo đó, một viên chức phụ trách tị nạn sẽ phỏng vấn để xác định xem lý do sợ hãi phải trở về nước của người đó có xác đáng không.

Trong những năm gần đây, số người nhập cư Mỹ theo cách này tăng cao, thường thì những người này vượt biên trái phép rồi tự nộp mình cho lực lượng biên phòng. Kể từ năm 2014, số đơn xin tị nạn tại biên giới tăng gấp 4 lần.

Nghi ngờ tính khả thi

Những quy định mới sẽ cải tổ đáng kể luật tị nạn lâu nay vốn quy định rõ những người phải trốn chạy khỏi bạo lực hoặc truy tố từ quốc gia gốc có thể có cơ hội được tị nạn tại Mỹ như thế nào.

Báo New York Times dẫn quan điểm của ông Omar Jadwat, giám đốc dự án quyền di dân của Liên minh tự do dân sự Mỹ, nói: "Luật đã ghi rất rõ: mọi người đều có thể nộp đơn xin cơ chế tị nạn bất kể họ có đang ở cửa khẩu không và bất kể tình trạng nhập cư của họ là gì. Tổng thống không thể phớt lờ luật đó, ngay cả khi ông ấy không thích nó".

Cũng theo vị luật sư này, nếu tổng thống muốn thay đổi luật, ông ấy phải thông qua một luật mới tại quốc hội. Quy định mới cũng vận dụng thẩm quyền tương tự mà ông Trump từng áp dụng để cấm việc đi lại với nhiều công dân của các quốc gia phần đông người Hồi giáo ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức.

Giới quan sát cho rằng gần như chắc chắn Nhà Trắng sẽ phải bảo vệ tính hợp lý, hợp pháp của những quy định mới trước tòa. Luật sư của các tổ chức bảo vệ quyền di dân cho rằng quy định mới đã vi phạm một nguyên tắc nền tảng của quy định cấp cơ chế tị nạn liên bang. Đó là việc đánh giá cơ hội được tị nạn của mỗi di dân sẽ căn cứ vào những yếu tố xứng đáng cụ thể của họ.

Những luật sư cũng nói cả luật liên bang lẫn luật quốc tế đều nói rõ nước Mỹ phải cho các di dân một cơ hội xin được tị nạn, bất luận họ đã vào Mỹ theo cách hợp pháp hay phi pháp.

Nhà Trắng đã lường trước các phản ứng

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của New York Times, có vẻ như Nhà Trắng đã lường trước mọi phản ứng. Do đó, một quan chức cho biết để đảm bảo việc chính quyền Mỹ vẫn sẽ tuân thủ các hiệp ước về quy chế tị nạn, những người bị cấm theo quy định mới sẽ vẫn còn "cửa" nộp đơn xin ở hai chương trình khác, nhỏ hơn. Tuy nhiên những chương trình này đều là các khe quá hẹp để họ có cơ hội được ở lại Mỹ.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích