Sáng nay (9/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 2 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày tờ trình tại Quốc hội. |
Dự thảo Luật có 5 hành vi bị cấm là: Sử dụng cồn công nghiệp; nguyên liệu, phụ gia không bảo đảm chất lượng, không được phép dùng trong thực phẩm để sản xuất, pha chế rượu, bia; Quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; Kinh doanh rượu không có giấy phép; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; nhập lậu rượu, bia; Ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca làm việc không được uống rượu, bia.
Dự thảo Luật cũng cấm uống rượu, bia tại các cơ sở y tế, giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; Trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.
Ở điều 16, dự thảo Luật cũng quy định việc không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, không được bán rượu, bia trên mạng internet và không được bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
Dự kiến luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện dự thảo Luật còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật.
Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận, quyết định: Phương án 1 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Điều 29. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 2. Mức xử phạt tối đa đối với vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm. 3. Việc phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để. 4. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. |
Theo VTC