|
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. |
Ưu tiên vùng miền núi, đặc biệt khó khăn
Chiều 8/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đáng chú ý về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập (Điều 97).
Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, ông Nhạ cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động về cả ngân sách đầu tư và hiệu quả đầu tư, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW; xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 97 theo nguyên tắc đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
“Đối với chính sách không thu học phí học sinh trường trung học cơ sở công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường tư thục, Dự thảo Luật quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa
Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30), ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp về việc Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, lớp cho học sinh học tập, không thi tuyển đầu vào đối với giáo dục phổ cập bắt buộc, các quy định về giáo dục phổ thông tại dự thảo Luật đã được quy định theo hướng học sinh được vào học phù hợp với quy định đầu vào các cấp học của giáo dục phổ thông; đảm bảo giáo dục phổ thông đại trà không thi tuyển đầu vào, đảm bảo chính sách đối với đối tượng yếu thế, chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.
Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Nhạ cho biết, Ban soạn thảo đã rà soát và luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88; quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thành các quy định của Luật.
Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp nếu có nhu cầu
Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (Điều 32, Điều 43), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 3 Điều 32 và khoản 3 Điều 43 của Dự thảo Luật theo hướng: Học sinh, học viên học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; được hiệu trưởng nhà trường hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu.
Theo ông Nhạ, đối với việc tạo điều kiện cho người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được dự tuyển và học lên trình độ cao đẳng, hiện nay đã được quy định tại khoản 3 Điều 120 của Dự thảo Luật.
Theo Tiền Phong