TP.HCM muốn thu hút nhân tài nước ngoài

Thứ năm, 08/11/2018, 11:51
Họ là những người có năng lực đặc biệt, năng khiếu, sở trường và đủ điều kiện làm ở vị trí cần tuyển dụng.

Trong dự thảo lần thứ tư về đề án Chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu giai đoạn 2018-2022, Sở Nội vụ đề xuất thêm đối tượng "người nước ngoài". Họ là những người có năng lực đặc biệt, năng khiếu, sở trường và đủ điều kiện làm ở vị trí cần thu hút.

Đây là điểm mới so với những dự thảo trước - chỉ giới hạn đối tượng cần thu hút về làm việc là công dân Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài. Theo Sở Nội vụ, việc mở rộng nhóm người sẽ bổ sung đội ngũ nhân tài cho thành phố; đặc biệt là lực lượng trí thức chuyên gia người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt có nguyện vọng được cống hiến cho quê hương.

Ngoài ra, dự thảo lần này còn đề cập việc ưu đãi những người tài đã có sẵn công trình nghiên cứu hoặc sản phẩm trí tuệ được công bố chính thức; hoặc được các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước công nhận; được hội đồng thu hút đánh giá là phù hợp nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố đặt hàng.

TP.HCM sẽ ký hợp đồng theo hình thức chuyển giao công nghệ với những người này. Giá trị chuyển nhượng không quá 100 tỷ đồng. Nếu vượt quá thì UBND thành phố sẽ báo cáo HĐND thành phố xem xét quyết định.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai, bên phải) nói chuyện với các nhà sáng tạo trẻ về đề án thành phố thông minh.

Hỗ trợ sinh hoạt mỗi tháng 50 triệu đồng cho nhân tài

Với nhóm tài năng đặc biệt còn lại, các chính sách đãi ngộ như: hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng, tiền thưởng lên tới một tỷ đồng... vẫn giữ nguyên như những lần dự thảo trước. Riêng mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng được điều chỉnh tăng từ 20 đến 50 triệu đồng.

Theo Sở Nội vụ, người có tài năng đặc biệt là có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp; có phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến; có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao.

Họ đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được giới chuyên môn và cộng đồng công nhận.

Thời gian qua TP.HCM và một số tỉnh thành đã có nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân tài nhưng kết quả không được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng chính sách của thành phố giống như "trên trải thảm mà dưới trải đinh" vì còn quá nhiều điều kiện, thủ tục gây khó khăn.

Phản biện đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về TP.HCM làm việc (giai đoạn 2018-2020) hồi tháng 3, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao (Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội khoa học TP.HCM) đề nghị ưu tiên chính sách nhập cư cho lao động chất lượng cao; không phân biệt nhà khoa học trong và ngoài nước; đánh giá họ dựa trên chất lượng công việc. Thành phố cũng cần lập quỹ riêng để thường xuyên khen thưởng người đạt hiệu quả công việc.

Ngoài ra, theo ông Giao, đề án chưa thể thu hút nhân tài mà chỉ đáp ứng tốt cho việc tuyển chọn cử nhân, thạc sĩ về các sở ban ngành làm việc. Bởi giáo sư, tiến sĩ không phù hợp làm việc ở các cơ quan hành chính. Nên tách thành hai đề án là tuyển cán bộ chuyên viên cho các sở ban ngành; và tuyển nhân tài, người nghiên cứu khoa học cho các khu công nghệ cao.

Cũng liên quan đến việc hút nhân tài, mới đây 40 nhân tài thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) đã xin thôi việc, chấp nhận đền bù tiền tỷ.

Theo VNE

Các tin cũ hơn