|
Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) học môn tiếng Việt |
Cả báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cần quy định cụ thể về lương nhà giáo vào trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo.
70% giáo viên không sống được bằng lương
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) tại Quốc hội (QH) ngày 8.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan tới lương nhà giáo, dự thảo luật quy định: nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ và cho rằng, việc sửa đổi này là phù hợp với các nghị quyết của T.Ư.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) thảo luận tại tổ ngày 8.11 |
Báo cáo thẩm tra mà Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Phan Thanh Bình trình bày cho biết, đa số ý kiến của ủy ban này đồng tình với quy định tại dự thảo và cho rằng, quy định này đã phù hợp với Nghị quyết số 27 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Bình, có ý kiến cho rằng Nghị quyết 27 quy định chính sách lương chung cho các ngành, lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù riêng của nghề giáo. Từ đó, ủy ban này đề nghị quy định cụ thể trong luật về chính sách lương bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ chức năng trong xây dựng chính sách tiền lương và quản lý biên chế.
Thảo luận tại tổ cùng ngày, đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, vấn đề lương giáo viên từ năm 1996 đã có nghị quyết khẳng định lương giáo viên phải cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, nhưng sau 22 năm lương giáo viên rất thấp, chủ trương này chưa thực hiện được. “Cần xem xét để giáo viên có bảng lương riêng dù biết bối cảnh hiện nay là rất khó khăn”, ĐB Bình đề xuất.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) thì cho hay, theo báo cáo điều tra xã hội học thì 70% giáo viên tất cả các cấp nói rằng tiền lương của họ không đủ sống. Có cô giáo nói sau 20 năm công tác tiền lương được hưởng là hơn 1 triệu mỗi tháng. Từ đó, ĐB Thúy nhận định, chính sách đối với người lao động trong lĩnh vực giáo dục, tức các thầy cô giáo đang làm việc trong ngành vẫn không đảm bảo cuộc sống và đề xuất, cần có sự đầu tư và có chính sách cao hơn cho các thầy cô, đặc biệt là tại các khu vực kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, ĐB Thúy cũng kiến nghị các trường hợp thầy, cô giáo được điều động lên làm cán bộ quản lý ở các phòng, sở giáo dục cần phải tiếp tục được hưởng phụ cấp của giáo viên.
“Đây chính là những thầy cô có kinh nghiệm nhất, có kỹ năng và tình yêu trẻ để có đóng góp cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, khi họ điều động về nhận nhiệm vụ tại các cơ quan quản lý giáo dục thì phụ cấp bị cắt hết. Điều này rất bất hợp lý và khiến các thầy cô phải suy nghĩ”, ĐB Thúy nói.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thì cho rằng, hiện nay, cả giáo dục và y tế đều nói là quan trọng nhưng mức lương khởi điểm thì ai cũng như ai, chỉ được 85% lương bậc 1. Dẫn ví dụ có trường hợp trong quân đội nhận mức lương hệ số 6 khi vừa mới tốt nghiệp, trong khi bản thân mình là phó giáo sư suốt 12 năm nhưng hệ số mới chỉ 5,4, ĐB Lan cho rằng, cần có sự đãi ngộ tương xứng giữa các ngành.
“Trước 1975 tại miền Nam, một người đi dạy tiểu học hay THCS là đủ nuôi cả nhà còn với mức lương như hiện nay thì giáo viên nuôi bản thân mình cũng không xong đừng nói nuôi gia đình”, ĐB Lan nói.
Cử tri quan tâm đến “phụ phí” hơn học phí
ĐB Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng) băn khoăn về tính khả thi khi dự thảo luật tính đến việc miễn học phí cho học sinh mầm non và tiểu học, nhưng lại giao Chính phủ quy định lộ trình và căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách. Nếu Chính phủ cứ bảo chưa cân đối được ngân sách thì bao giờ luật có hiệu lực? ĐB cho rằng, khi soạn thảo luật thì đã có báo cáo đánh giá tác động rồi, ngân sách cân đối được hay không được chúng ta phải biết. Nếu đã tính đến áp dụng cho đối tượng vùng sâu, vùng xa thì đưa luôn vào luật để nâng cao tính hiệu lực. Trong khi đó, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thì cho rằng, việc miễn học phí với trẻ em dưới 5 tuổi và học sinh tiểu học, THCS tuy là tốt, nhưng hỏi phụ huynh thì người ta cũng không hào hứng lắm, vì “phụ phí” mới lớn, nên họ quan tâm đến phụ phí hơn.
Có cần thiết nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non?
Một chính sách mới được đưa vào dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) lần này là nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, quy định này sẽ có hiệu lực từ 1.1.2026.
Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH đề nghị giải trình rõ về tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ; về phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động của chính sách đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.
“Có ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc nâng chuẩn trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trong khi tình trạng thiếu giáo viên mầm non chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non chưa đạt yêu cầu, giáo viên mầm non ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu làm nhiệm vụ nuôi nhiều hơn dạy”, ông Bình cho hay.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng đặt ra câu hỏi: Nếu nâng chuẩn giáo viên mầm non lên cao đẳng thì cấp trung học sư phạm có tiếp tục làm nữa hay không? “Việc chạy theo chuẩn, dần dần nâng chuẩn giáo viên cũng đúng thôi nhưng phải tính toán, nhất là xử lý thế nào với những thầy cô nhiều kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm người mà không có bằng cấp tới lúc đó bắt đầu đi học thì rất mệt mỏi”, ĐB Lan nói.
ĐB Bùi Minh Châu (Phú Thọ) cũng cho rằng, hiện nay, giáo viên mầm non đang thiếu rất nhiều trong khi đó, thực tế chúng ta đang đào tạo chủ yếu là trung cấp và cao đẳng, vì thế việc chuẩn hóa là tốt nhưng không nhất thiết quy định trong luật.
Năm 2019 lạm phát 4%, GDP tăng 6,6 - 6,8%
Sáng 8.11, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, với chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%.
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát năm 2019 tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Một số chỉ tiêu khác gồm tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%...
Để hoàn thành 12 mục tiêu, nghị quyết đã nêu một loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Đồng thời thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức...
Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của VN trên thế giới. Ngoài ra, nghị quyết còn đề nghị hoàn thiện các điều kiện cần thiết và xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh vận động sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA).
Phải thuyết minh được ngân sách dành cho giáo dục là bao nhiêu Kể lại chuyện mình đã hỏi Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ là ngân sách dành cho giáo dục hiện nay là bao nhiêu, nhưng chính Bộ trưởng cũng không biết, và thực ra hiện nay không ai biết, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị cần phải có một thuyết minh cụ thể cho nguồn ngân sách này.
“Việc ưu tiên ngân sách cho giáo dục tối thiểu bằng 20% tổng chi ngân sách chúng ta nói rất lâu rồi, nghị quyết của QH đã quy định và bây giờ là luật, nhưng chúng ta chưa bao giờ cấp đủ con số này, kể cả trong dự toán và quyết toán”, ĐB nhấn mạnh.
Theo ĐB, việc chi ngân sách hiện nay chia thành chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, nên dù có hỏi chính Bộ trưởng giáo dục chi cho giáo dục hằng năm bao nhiêu Bộ trưởng cũng không tính nổi. Đây là điều cần phải khắc phục. “Đã đưa vào luật thì phải có căn cứ để giám sát, QH phải biết, phải thuyết minh được chi cho giáo dục là bao nhiêu tiền. Trong dự toán và quyết toán ngân sách phải có 1 bảng thuyết minh riêng về đầu tư cho giáo dục.
|
Theo Thanh Niên