|
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc vận động ở bang Missouri. Ảnh: Reuters. |
Cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11 đã khiến đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ và chỉ còn giữ ưu thế đa số tại Thượng viện. Nhiều học giả Trung Quốc lập tức tỏ ra vui mừng với kết quả này, cho rằng đây là đòn giáng mạnh vào uy tín của Trump và sẽ khiến ông nhượng bộ trong chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
"Đây chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất với Trump, vì đảng Cộng hòa không mất quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội. Nhưng Trump sẽ đối mặt với sự kiềm chế lớn hơn khi đảng Dân chủ tìm cách ghìm cương các chính sách của ông sau khi kiểm soát Hạ viện", Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán, nói với tờ Global Times.
Ông Wu cho rằng cuộc bầu cử giữa kỳ không phải là yếu tố mang tính quyết định đến kết cục chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, mà nó phụ thuộc lớn vào cảm nhận của Trump về tác động của nó tới khả năng tái đắc cử vào năm 2020. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định Trump sẽ phải thay đổi đáng kể thái độ cứng rắn của mình với Trung Quốc sau khi để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ.
Theo Wu, chính quyền Trump khởi đầu cuộc chiến tranh thương mại chống lại Trung Quốc với niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ dưới sức ép của Washington. "Nhưng mọi sự không như họ nghĩ. Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, chính quyền Trump lo lắng nhiều hơn so với chính phủ Trung Quốc", ông nói.
Lin Hongyu, giám đốc Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Hoa Kiều thì cho rằng kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ với sự trỗi dậy của đảng Dân chủ sẽ là một đối trọng với Trump và ngăn Tổng thống Mỹ có những quyết định "thất thường". "Nhà Trắng sẽ không thể đưa ra quyết sách một cách chóng vánh và dễ dàng như trước đây", Lin nói. "Bất cứ chính sách nào Trump đưa ra, trong đó có chính sách với Trung Quốc, cũng sẽ vấp phải kháng lực".
Trong khi đó, nhiều người trên mạng xã hội Trung Quốc lại thể hiện quan điểm trái ngược và không mấy vui mừng trước kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ. Các bài viết với từ khóa "bầu cử giữa kỳ Mỹ" thu hút tới 50 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo, nhưng phần lớn đều cho rằng nó sẽ không tạo ra bước đột phá trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo QZ.
"Dù đảng Dân chủ và Cộng hòa bất đồng trong nhiều vấn đề, họ có chung quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Tâm lý chống Trung Quốc đã trở thành một chân lý chính trị ở Mỹ", Li Chengdong, một người tự nhận là chuyên gia phân tích thương mại điện tử với hơn 220.000 người theo dõi trên Weibo, bình luận.
Một số người chỉ ra rằng dù Trump là người khơi mào cuộc chiến, thái độ cứng rắn với Trung Quốc của Mỹ thực ra bắt nguồn từ chính những người thuộc đảng Dân chủ. "Cần phải nhớ rằng chiến lược với Trung Quốc của Mỹ thay đổi vào năm 2010, dưới thời tổng thống Barack Obama", một người dùng Weibo viết. "Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton thường xuyên chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng không phải là người có thiện cảm với Bắc Kinh".
Trên thực tế, Trung Quốc từng rất e ngại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton vì bà thể hiện quan điểm cứng rắn với vấn đề Biển Đông và tuyên bố sẽ có chính sách thương mại quyết liệt hơn với Bắc Kinh. Giới học giả Trung Quốc từng rất vui mừng khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và cho rằng một người xuất thân là doanh nhân như ông sẽ "dễ đối phó" hơn so với Clinton, vốn là một luật sư.
|
Hillary Clinton (trái) và Trump trong một cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình năm 2016. Ảnh: AP. |
"Đảng Dân chủ và Cộng hòa chủ yếu bất đồng về các vấn đề chính trị nội bộ, nhưng khi chạm tới vấn đề thương mại với Trung Quốc, họ chẳng có bất đồng nào cả", Ren Zeping, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc, viết trong một bài đăng trên WeChat, thu hút 36.000 lượt xem. "Nhiều khả năng những quyết sách cứng rắn của Trump trong thương mại với Trung Quốc sẽ tiếp diễn".
Ren cho rằng hy vọng duy nhất để Trump nhượng bộ và đi đến thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại và suy giảm. Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng phải "làm việc của mình" và thực hiện những cam kết về cải cách, mở cửa nền kinh tế.
Trong bài xã luận hôm 7/11, tờ Global Times cũng thừa nhận rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ là thứ chịu ít tác động nhất từ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ, khi lập trường cứng rắn với Bắc Kinh là một trong những vấn đề hiếm hoi mà đảng Dân chủ và Cộng hòa có chung tiếng nói. "Việc để mất Hạ viện sẽ hầu như không có tác động trực tiếp nào tới chính sách của Trump với Trung Quốc", bài xã luận viết. "Nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ Mỹ - Trung đi xuống hiện nay chính là não trạng của người Mỹ không chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc".
David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, cho rằng người Trung Quốc đã đúng khi nhận định người Mỹ đang có sự đồng thuận trong tâm lý chống Bắc Kinh. Ông nhận định đây là hậu quả từ những tác động tiêu cực do các chính sách của Trung Quốc gây ra với nhiều tầng lớp xã hội Mỹ, từ quân đội, giới doanh nhân, học giả cho tới truyền thông.
Nếu Trung Quốc không có những thay đổi căn bản trong chính sách và hành động để cởi mở hơn ở trong nước và kiềm chế hơn ở nước ngoài, quan điểm cứng rắn mới của người Mỹ với nước này sẽ "tồn tại vĩnh viễn", Shambaugh viết trên SCMP.
Bình luận viên Stephen Bartholomeusz của SMH cũng có chung quan điểm, cho rằng các thành viên đảng Dân chủ cũng hoài nghi về vấn đề thương mại của Trung Quốc không khác gì Trump, nên "bản năng bảo hộ" của Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ không bị kiểm soát kể cả khi đảng Cộng hòa không còn nắm đa số tại Hạ viện.
"Nếu Trung Quốc không chịu khuất phục trước sức ép mà Mỹ đang gây ra với nền kinh tế của họ và không để Trump tuyên bố chiến thắng, chiến tranh thương mại sẽ trở nên khốc liệt hơn", Bartholomeusz viết. "Điều này sẽ không tốt đẹp gì cho Trung Quốc, cũng không mang lại triển vọng tươi sáng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu".
Theo VNE