Về từ hành tinh ký ức - Kỳ 4: Những đứa trẻ không trở về

Thứ ba, 20/11/2018, 14:20
"Giữa cơn lo sợ, vợ tôi không nghe được những giẫy giụa bức bối của một bé hai tuổi trong cơn mất hơi thở cuối cùng. Vợ tôi vẫn ôm con như vậy cho tới khi bên ngoài bình yên. Nghĩa là không còn tiếng khóc nữa..."

Đội quân khát máu của Pol Pot đi đến đâu là đốt phá giết chóc đến đó; ngoài súng đạn, bọn chúng còn tàn sát dân thường bằng những công cụ thô sơ với những cách thức tàn nhẫn nhất. Từ trẻ nít cho đến người già, phụ nữ cho tới thanh niên, tất cả nạn nhân của chúng đều không một tấc sắt trong tay… để phục vụ cho mục tiêu phi nhân, cho cuộc chiến phi nghĩa mà chúng khơi mào.
Cuốn ký sự Về từ hành tinh ký ức là những ghi chép của tác giả Võ Diệu Thanh từ lời kể của những nạn nhân vụ thảm sát Ba Chúc do Khmer Đỏ gây ra.
Vết tích còn để lại trong chùa Tam Bửu và Phi Lai
Theo lời kể của anh Út Nam, xã Lê Trì, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang - nạn nhân của cuộc diệt chủng ở Ba Chúc.

Tôi hiểu tâm trạng cô ấy, nhưng có lẽ tôi không hiểu hết. Tôi chỉ là người đứng ngoài, lúc đó tâm trí ai cũng mang đầy những lo sợ cảnh tượng tụi nó phát hiện ra hang, lo sợ những cái chết khủng khiếp đến với mọi người trong đó có mình. Lúc đó nỗi đau không nhiều hơn nỗi sợ. Chỉ đến khi bình an, nhớ lại con của mình với cái xác nhỏ nhắn oặt oại mới thấy đau đớn từng cơn khóc từ trong bụng khóc ra. Còn vợ tôi khổ hơn tôi nhiều lắm, hơn ai hết, chính cô ấy là người nghe tiếng khóc của con tôi rõ nhất, nghe bằng cả cơ thể, nghe bằng cả trái tim. Nó nằm trong tay vợ tôi. Nó khóc thét.

Mà nó không thể nào không khóc được. Hang núi ngột ngạt tăm tối lắm. Mấy chục người trong đó. Người lớn biết ngoài kia là những kẻ giết người. Người lớn biết tử thần đang đi qua đi lại trước cửa hang, đi suốt từ sáng cho tới 5 giờ chiều, nên họ có thể nín ăn, nín đại tiểu tiện, thậm chí nín thở một chút. Những đứa trẻ lên một lên hai chẳng cần quan tâm chuyện đó, nó chỉ biết là rất ngột, rất tối. Chúng sợ hãi, chúng bất an, chúng cảm thấy không chịu đựng được. Chúng khóc để được đưa ra khỏi hang. Hay đơn thuần cảm thấy muốn khóc thì khóc vậy thôi. Chúng tôi không biết làm sao để đứa trẻ hết khóc. Không phải lạnh để có thể ủ ấm, không phải đói để có thể cắn da cắn thịt mình cho nó lót dạ. Cái nó cần là không khí trong lành ngoài kia. Nhưng ngoài kia không phải là nơi con người sống được, ngoài kia là đất của bầy quỷ. Chỉ có trong hang này là chúng tôi còn có thể sống được. Vốn dĩ chúng tôi đã sống trong hang bốn, năm ngày rồi.

Ngay hôm đầu tiên, khi tụi nó bố ráp bao vây Ba Chúc thì chúng tôi đã trốn lên đây - Hang cô Mười Lan, nơi gần chùa Long Châu. Chúng tôi đã xay gạo, đã mang thức ăn lên từ trước. Mấy ngày đầu, có một nhóm lính Pol Pot vây ở chùa Long Châu. Lúc đó trong chùa túm tụm năm, sáu chục người. Tốp lính này vây một hồi rồi phất tay kêu mọi người chạy, rồi tụi nó đốt chùa. Hình như tốp này không có nhiệm vụ giết người. Hay là do nó muốn chứng tỏ nó không giết người để dân tin tưởng nó, đi theo nó, để nó có thể giết nhiều hơn, gọn gàng hơn. Những tốp sau thì giết tàn sát không chừa một ai, ngay cả những đứa con nít còn đang bú.

Tất cả chúng tôi đều từng chứng kiến cảnh tụi nó giết người nên kiên quyết trốn. Ban ngày thì chúng tôi vào hang và ngồi im phăng phắc. Mỗi tối, khi tụi nó rút quân xuống xóm thì mọi người ra nấu cơm, nấu một chút vắt cho mỗi người một vắt cơm để cầm hơi. Rồi sáng sớm, khi tụi nó còn ngủ, chúng tôi nấu cơm thêm một lần để chuẩn bị cho cơn đói trong ngày.

Cầm chừng được ba, bốn ngày như vậy. Dạ, nấu cơm lúc đó được. Tại tụi nó đốt nhà, lửa cháy nghi ngút nên lửa nấu cơm không ăn thua gì. Trốn với tôi có vợ tôi và hai đứa nhỏ, một đứa lên bốn, một đứa lên hai.

Dụng cụ giết người dã man của Pol Pot

Ngày thứ tư, thứ năm gì đó. Chúng tôi nghe tiếng lùng sục bên ngoài và đứa con út của tôi bắt đầu khóc. Nó khóc tức tưởi tưởng như là tiếng khóc nó có thể vọng ra khỏi hang, ra khỏi núi, ra tận những căn cứ của tụi Pol Pot. Những tiếng khóc thất thanh, lồng lộng dội vào vách đá, vang tận chín tầng trời. Tiếng khóc con trẻ thường chỉ làm cha mẹ xốn xang thương xót. Nhưng tiếng khóc trẻ lúc này, giữa bốn bề thinh lặng là tiếng động duy nhất gọi mời tử thần. Tiếng khóc của con trẻ như những nhát dao chém vào nỗi sợ hãi của người lớn.

Tiếng khóc không còn là tiếng khóc nữa mà trở thành những tiếng bom. Nó có thể nổ tung từng mạng người.

Chúng tôi không muốn bị giết. Chúng tôi càng không thể để cho mấy chục người cùng trốn trong hang bị giết vì tiếng khóc của con mình. Vợ tôi ôm con tôi vào lòng, áp tiếng khóc nó vào người. Vợ tôi không còn nhớ mình nên bụm miệng con kiểu gì cho con an toàn, chỉ biết là làm sao cho mọi người trong hang đừng ai nghe tiếng khóc nữa, nhất là làm sao cho những uất ức thét gào của con tôi đừng lọt ra khỏi hang. Vợ tôi ôm đứa nhỏ vào lòng trong nỗi lo lắng kinh hoàng như vậy. Có lẽ lúc này không còn hồn vía của một bà mẹ ôm con nữa rồi mà chỉ là xác của mẹ ôm xác con.

Và rồi không còn ai nghe con tôi khóc nữa. Chỉ có mỗi vợ tôi còn nghe. Không nghe bằng âm thanh mà nghe bằng những ngằn ngặt trong trạng thái bị nén lại, bị giấu kín. Nhưng có lẽ giữa cơn lo sợ, vợ tôi cũng không nghe được những giẫy giụa bức bối của một đứa bé hai tuổi trong cơn mất hơi thở cuối cùng. Vợ tôi vẫn ôm con như vậy cho tới khi bên ngoài bình yên.

Nghĩa là không còn tiếng khóc nữa. Không còn một động tịnh gì hết.

Con tôi đã chết từ lúc nào rồi.

Tôi chỉ nhìn thấy điều đó, thấy cái xác oặt oại của con tôi. Tôi nhìn thấy sự mất mát rất mờ nhạt trong ánh sáng ngột ngạt của hang. Vợ tôi là người cảm được mềm mại của con, cảm được hơi ấm non nớt quen thuộc còn đọng lại trên thân xác nhỏ bé của con. Hơi ấm cuối cùng. Chẳng bao lâu, chúng tôi không còn tìm thấy được hơi ấm đó. Nó còn rất nhỏ, chỉ mới hai tuổi, chỉ mới đỏ đẻ nói chuyện. Tôi từng bồng nó trên tay, từng nghe hơi ấm ngọt lành của con nên tôi hiểu cảm nhận vợ tôi trong lúc ôm hơi ấm đó, ôm trong tay hơi ấm đang trôi đi từ chút từ chút cho tới khi chỉ còn lại một hình hài nhỏ bé lạnh băng.

Chúng tôi lúc đó không đau khổ như vậy. Nỗi sợ vẫn còn nguyên đó. Ngay cả chúng tôi cũng chưa biết là sống chết thế nào. Vì tụi Pol Pot lùng sục rất hăng. Vài hôm sau hang của ông Ba Lê ở bên cạnh tôi bị bể, mười bảy người trong hang bị bắn. Tôi đứng nép trong vồ đá bên này nhìn thấy hết. Chúng tôi cảm thấy sợ hãi nên bỏ hang, chia thành nhiều nhóm lẩn trốn. Có nhóm thoát được nhưng có nhóm đi ngang qua đồng Lương Phi bị lọt vòng vây của tụi nó và chết sạch. Cái chết đến bất cứ lúc nào nên chúng tôi không đủ tâm trạng để nhớ nhiều về nỗi đau của mình.

Nhưng sau đó, khi bình an, khi nỗi sợ qua rồi, chúng tôi nhớ không sót một chi tiết nào. Tội nghiệp những đứa con nít. Chưa bao giờ những đứa con nít khổ như trận này. Chúng bị giết đủ kiểu. Những cái xác bị xé đôi, những cái xác bị đập đầu vào tường. Tội nghiệp ba má tụi nó. Nói sao cho hết khổ?

Sau cuộc chiến, cả xã không còn đứa trẻ sơ sinh nào hết. Tôi may mắn còn sót lại đứa con bốn tuổi. Bên vồ Đá Dựng còn thê thảm hơn, để cứu 72 người, anh Trần Văn Tỏ phải nén đau thương bóp mũi đứa con trai năm tuổi, ông Khế và ông Đức cũng quặn lòng lần lượt bóp mũi ba đứa cháu nội của mình. Chỉ là chứng kiến thôi tôi còn đau như vậy. Chỉ là sợ quá ôm con vào lòng cho khỏi nghe tiếng khóc của nó, rồi ngột quá nó ra đi mà vợ tôi còn hãi hùng như vậy. Bóp mũi con, tôi nghĩ là phải bầm gan tím ruột, tôi nghĩ là mình đã chết trước khi nó chết. Chết là cái chắc. Tôi nghĩ vậy.

Ảnh chụp tại nhà trưng bày chứng tích tội ác của Pol Pot tại An Giang

Vì lí do này vì lí do kia, những đứa con nít lần lượt bị giết. Cô vô nhà mồ nhìn đống cốt đi, những cái đầu của tụi nó. Trong đó chưa thấm thía gì so với thực tế những đứa con nít bị giết. Một nhà đều có ba, bốn đứa trẻ trở lên mà. Nhiều trẻ con chết lắm. Nhưng tại con nít xương mềm, nắng nôi, mưa gió cả năm trời, nó rã hết rồi. Cô coi đó, một, hai tháng, đôi, ba tháng, một, hai tuổi, có khi chỉ một, hai ngày tuổi, xương non xèo mềm như da thịt, sao mà không bị mục rữa hả cô. Nếu còn cái sọ của những đứa mới một, hai tháng thì mình thấy sao hả cô.

Tôi thấy sợ những cái sọ đầu người lớn nhưng tôi không thấy sợ những cái sọ của trẻ em. Mỗi lần nhìn từng cái sọ trẻ con, tôi như có cảm giác hiện lên đó là những gương mặt non nớt, những giọng nói ngọng nghịu, những tiếng cười ngặt nghẽo sắp phát ra. Thật. Những cái sọ trẻ con, dáng của cái trán to, ngây ngô, cưng hết biết, con tôi cũng vậy mà. Nhưng khi tôi nhìn thấy những cái trán ngây ngô có một chỗ bể lớn, tôi lại hình dung tới khúc cây cứng đã đập mạnh vào đó, hay một phát đạn...
Mọi người không sợ như tôi. Chỉ có tôi thấy sợ như vậy thôi. Ở đây ai cũng quen rồi. Nếu không quen chỉ có nước bỏ xứ tha phương.

Ngay cả chuyện của con tôi, tôi cũng quên rồi. Vợ tôi có quên hay không tôi không biết. Vì có những nỗi đau phụ nữ không nói ra, nhưng nỗi đau nó ám ảnh trong lòng dai lắm, ít khi nào quên hẳn, phụ nữ mà. Có lẽ cô ấy chưa quên được, mãi mãi không quên được. Nhưng cô ấy cũng phải có nhiều cái khác để nhớ, như gia đình, như những đứa con hiện tại. Cô không hỏi qua cô ấy là đúng. Tôi không muốn cô gợi cho cô ấy nhớ gì hết. Quên được đã là khó khăn quá rồi.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn