Những nước dè chừng Huawei

Thứ ba, 11/12/2018, 10:07
Ngoài cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và Triều Tiên, nhiều nước cho rằng công nghệ 5G của Huawei đe dọa bảo mật thông tin.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters.

Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei, hôm 1/12 bị bắt tại thành phố Vancouver, Canada theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị nghi ngờ nói dối một ngân hàng tại Mỹ, nhằm sử dụng công ty con SkyCom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009 - 2014, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran.

Cả Bắc Kinh và tập đoàn Huawei đã kêu gọi thả bà Mạnh, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đồng thời được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu để tiếp quản "đế chế" của cha mình. Dưới sự lãnh đạo của ông Nhậm, Huawei đã trở thành một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất smartphone.

Tuy nhiên, sự mở rộng của Huawei trên phạm vi toàn cầu làm dấy lên lo ngại với các chính phủ phương Tây rằng tập đoàn này có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, cũng như việc họ sẵn sàng xuất khẩu công nghệ sang các nước đang chịu lệnh trừng phạt, theo Al Jazeera.

Trong những năm qua, Huawei bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và Triều Tiên do cung cấp thiết bị viễn thông cho hai nước này. Hơn nữa, chúng còn có thể được sử dụng để giám sát người dân. Một số quốc gia đã cảnh báo không nên sử dụng thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc do nghi ngờ Bắc Kinh sử dụng sản phẩm của Huawei để theo dõi người dân khắp thế giới.

Tuy nhiên, phần lớn lo ngại tới từ sự gia tăng ảnh hưởng của Huawei khi tập đoàn dự kiến cung cấp công nghệ mạng 5G trên toàn cầu. Huawei đã phủ nhận tất cả cáo buộc rằng họ có thể liên quan tới việc thu thập tin tình báo của chính phủ Trung Quốc. Dù vậy, một số quốc gia vẫn tuyên bố không cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G và nhiều nước đang xem xét vấn đề này.

Mỹ

Mỹ là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc về kinh tế cũng như thu thập tin tình báo toàn cầu. Washington lo sợ Bắc Kinh sẽ truy cập vào thông tin nhạy cảm của người dùng, chẳng hạn như dữ liệu định vị, và có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Để ngăn chặn nguy cơ này, các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi nhà cung cấp dịch vụ Internet AT&T xem xét lại những thỏa thuận với Huawei. Năm 2012, Washington cũng tiến hành điều tra Huawei và ZTE, một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc, để xem xét liệu thiết bị của họ có đe dọa lợi ích của Mỹ hay không.

Quốc hội Mỹ sau đó kết luận rằng "Huawei không hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra và không sẵn sàng giải thích mối quan hệ với chính phủ hoặc đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy tập đoàn không tuân thủ luật pháp Mỹ".

Kể từ đó, Mỹ nỗ lực ngăn chặn các nước đồng minh sử dụng công nghệ của Huawei, đặc biệt là các thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm Canada, New Zealand, Australia và Anh, bởi những quốc gia này sở hữu các cơ quan tình báo chia sẻ thông tin trên quy mô lớn. Mỹ cũng cố gắng thuyết phục những nước khác như Đức không cho phép Huawei cung cấp công nghệ trong tương lai gần.

Australia

Chính phủ Australia hồi tháng 8 tuyên bố những công ty "có khả năng phụ thuộc vào chỉ đạo của chính phủ nước ngoài" sẽ không được phép cung cấp công nghệ 5G, ám chỉ Huawei.

Tập đoàn của Trung Quốc hiện cung cấp mạng 4G cho Australia, nhưng với sự ra đời của 5G, sẽ có thêm nhiều sản phẩm kết nối với Internet trong tương lai gần.

Sau quyết định của Australia, Huawei cho biết 4G và 5G về cơ bản không có sự khác biệt, ngoại trừ việc 5G giúp bảo mật tốt hơn, nói thêm rằng cáo buộc của Australia không dựa trên thực tế.

Một biển quảng cáo mạng di động 5G của Huawei. Ảnh: Reuters.

New Zealand

Hồi tháng 11, New Zealand tuyên bố áp dụng biện pháp tương tự Australia, bác bỏ đề nghị sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G của nhà mạng di động Spark.

"Tôi đã thông báo với Spark rằng một rủi ro an ninh nghiêm trọng được xác định", Andrew Hampton, tổng giám đốc Cục An ninh Truyền thông Chính phủ New Zealand cho biết, nhưng không nêu chi tiết về các rủi ro.

Anh

Là quốc gia quan trọng thứ hai trong nhóm Five Eyes, Anh được các đồng minh nhiều lần kêu gọi cấm Huawei can thiệp vào hệ thống 5G. Tới nay Anh vẫn chưa thực hiện điều này, nhưng chính phủ đang thảo luận về các biện pháp đặc biệt.

Hồi đầu tháng, Giám đốc Cục Tình báo Mật của Anh (MI6) Alex Younger cũng bày tỏ nghi ngờ về Huawei. Trong một bản báo cáo năm 2013, chính phủ Anh kết luận rằng dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy Huawei gây ra tổn hại, việc tập đoàn này chịu trách nhiệm một phần cho các công nghệ quan trọng có thể liên quan tới các rủi ro.

Trước khi chính phủ ra quyết định, công ty viễn thông BT của Anh hôm 5/12 tuyên bố không sử dụng công nghệ của Huawei làm trụ cột cho mạng 5G sắp triển khai của mình, đồng thời loại bỏ sản phẩm của Huawei khỏi các mạng 3G và 4G.

Canada

Dưới tác động của các nước Five Eyes, Canada cũng đang xem xét những nguy cơ từ công nghệ của Huawei. Báo chí nước này tiết lộ các nghị sĩ Mỹ đã trao đổi với giới chức Canada và các công ty về việc cấm triển khai công nghệ của Huawei trong mạng 5G.

"Dù Canada sở hữu các biện pháp bảo mật mạnh mẽ, chúng tôi vẫn vô cùng lo ngại rằng điều đó không đủ để đối phó với những gì mà Mỹ và các đồng minh khác phát hiện về Huawei", Thượng nghị sĩ Mark Warner và Marco Rubio viết trong thư gửi Thủ tướng Justin Trudeau.

Cơ quan Bảo mật Truyền thông Canada (CSE) hồi tháng 9 tuyên bố họ đã tiến hành thử nghiệm các thiết bị của Huawei trong vài năm để xem xét liệu chúng có gây nguy hiểm cho quốc gia hay không. Tuy nhiên, báo chí Canada cho biết các công ty viễn thông tới nay vẫn chưa thông báo về việc cấm các thiết bị của Huawei.

Đức

Đức, đồng minh chủ chốt của nhóm Five Eyes, vẫn đang sử dụng công nghệ của Huawei và chưa đưa ra quyết định nào. Tháng trước, các quan chức nước này cho biết họ đang lên kế hoạch thuyết phục chính phủ xem xét loại bỏ các hãng Trung Quốc như Huawei khỏi việc xây dựng mạng lưới 5G.

"Mối lo ngại rất nghiêm trọng. Nếu quyền quyết định phụ thuộc vào chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động tương tự Australia", một quan chức Đức tiết lộ với Reuters. Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ được cho là đã tăng cường thúc đẩy chính phủ sau khi thảo luận với Mỹ và Australia.

"Chúng tôi cần kiểm tra từng trường hợp cụ thể để đảm bảo cơ sở hạ tầng trọng yếu được bảo vệ. Điều này có thể dẫn tới việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi việc xây dựng mạng 5G", nghị sĩ Katharina Droege cho biết.

Nhật Bản

Truyền thông Nhật Bản hôm 7/12 tiết lộ nước này dự kiến sửa đổi các quy tắc nội bộ về mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. Theo đó, các cơ quan chính phủ Nhật sẽ bị cấm mua sản phẩm viễn thông từ hai tập đoàn Huawei và ZTE.

Chính phủ Nhật Bản từ chối bình luận. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết họ đã thảo luận với Mỹ. "An ninh mạng dần trở thành vấn đề quan trọng ở Nhật Bản. Chúng tôi sẽ áp dụng những biện pháp kiên quyết để xem xét từ nhiều góc độ", ông nói.

Theo Wall Street Journal, Washington trong những tháng gần đây đã trao đổi với Tokyo về lo ngại an ninh xung quanh thiết bị 5G do Huawei sản xuất. Trong khi đó, Nhật Bản nằm trong số những quốc gia hiện phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị của Huawei.

Italy và Ấn Độ

Bên cạnh Nhật Bản, Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về Huawei với Italy, một trong những nước hiện sử dụng sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc cho hệ thống Internet di động. Tuy nhiên, Italy chưa quyết định công ty nào sẽ cung cấp thiết bị cho mạng 5G của nước này.

Hồi tháng 9, truyền thông Ấn Độ đưa tin Huawei bị cấm tham gia thử nghiệm 5G tại nước này, nhưng ngay sau đó Huawei và chính phủ Ấn Độ cho biết tập đoàn đã được mời thử nghiệm thiết bị tại thị trường di động lớn thứ hai thế giới.

Theo VNE

Các tin cũ hơn