Bộ trưởng Quốc phòng từ chức ngay sau khi Mỹ rút khỏi Syria: "Giọt nước tràn ly"

Thứ sáu, 21/12/2018, 12:01
Quyết định từ chức của ông James Mattis đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ thông báo bắt đầu tiến trình rút quân ra khỏi Syria được xem là “ giọt nước làm tràn ly” sau những nỗ lực hơn hai năm qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cố trung hòa những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ với các đồng minh.

Trong thư từ chức của ông Mattis gửi Tổng thống Trump ngày 20/12 đã phần nào hé lộ nguyên nhân "ra đi" của ông. Theo đó, ông Mattis viết rằng, việc ông rời cương vị sẽ giúp chính quyền của ông Trump tìm được một người đứng đầu Lầu Năm Góc có quan điểm "phù hợp hơn" với Tổng thống.

Trong thư, ông Mattis đã phần nào chỉ trích chính sách đối ngoại "nước Mỹ là trên hết" của ông Trump, đồng thời đề cao giá trị của các đồng minh, tôn trọng và gắn kết với các nước đồng minh.

Tướng Mattis và Tổng thống Trump. (Ảnh: Reuters)

Trên trang mạng xã hội, Tổng thống Trump ca ngợi những đóng góp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, cho biết ông Mattis sẽ rời vị trí vào cuối tháng 2 tới. Tổng thống cũng cho biết sẽ sớm đề cử người kế nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là không quá bất ngờ khi ông James Mattis thường xuyên có những bất đồng trong chính sách với Tổng thống Trump.

Những đồn đoán về khả năng ra đi của ông Mattis đã từng được đề cập khi trong một bài phỏng vấn vào tháng 10 vừa qua, Tổng thống Trăm cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng là "một người theo kiểu của Đảng Dân chủ". Và quyết định của Tổng thống Mỹ rút quân ra khỏi Syria được cho là giọt nước làm tràn ly.

Chuyên gia phân tích chính trị tại Mỹ nhận định: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng nên tránh việc rút quân ra khỏi Syria và nhiệm vụ của Mỹ trong cuộc chiến đánh bại IS tại Syria vẫn chưa hoàn thành, nhưng Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố ngược lại. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có những vấn đề bất đồng với Tổng thống, như không muốn đưa quân đến biên giới với Mexico và rất thận trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa"

Theo một quan chức Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo kế hoạch từ chức sau cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Trump, nhưng hai bên không thể thu hẹp được bất đồng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis là người tiếp theo trong danh sách quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump từ chức hoặc bị sa thải trong năm nay. Vào tháng 3, ông Trump cũng sa thải cựu ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo Viện nghiên cứu Brookings, chính quyền của Tổng thống Trump có tỷ lệ ra đi của quan cấp cao ở mức cao nhất so với 5 chính quyền tiền nhiệm.

Sự thay đổi lập trường đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ và việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nối tiếp vào danh sách dài các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ từ chức hoặc bị sa thải trong năm nay, làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh khó định đoán nước Mỹ khi Tổng thống Trump bắt đầu thực hiện chính sách trong 2 năm tiếp theo nhiệm kỳ của mình. Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez cho rằng, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra đi là một thiệt hại lớn và cho thấy sự thực rằng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump đang tiếp tục gây nên sự bất ổn.

Thông tin này chắc chắn không chỉ gây ra lo ngại trong nước Mỹ mà còn gây sốc cho các đồng minh quân sự của Mỹ, vốn đã luôn bất ngờ với những cách tiếp cận khó định đoán, 1 mình 1 hướng đối với vấn đề an ninh  toàn cầu của Tổng thống Trump. Sự ra đi của ông Mattis diễn ra vào thời điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ, khi nước này đang thúc đẩy các cuộc đối thoại hạt nhân với Triều Tiên, căng thẳng với Nga, Iran và cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Điều này cũng đặt ra câu hỏi là liệu người kế nhiệm ông Mattis có tiếp tục kiên định với các cam kết hiệp ước truyền thống, bao gồm cả NATO hay không.

Theo VOV

Các tin cũ hơn