Trung - Mỹ, bên nào sẽ thoái lui trong đối đầu ở Biển Đông?

Thứ năm, 20/12/2018, 14:21
Vụ tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc chặn đầu tàu chiến Mỹ USS Decatur là một trong 18 lần quân đội hai bên đối đầu nhau trên Biển Đông kể từ năm 2016. Theo một số nhà quan sát, tình hình khó mà cải thiện trong năm 2019. Căng thẳng ít có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí một số nhà phân tích nói có thể sẽ còn tồi tệ hơn, theo CNN.

Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ 1,3 triệu dặm vuông Biển Đông và đã hung hăng trong các bước đi thể hiện “chủ quyền” đầy ngang ngược vài năm trở lại đây. Liệu các cuộc đối đầu có khiến Bắc Kinh giảm bớt âm lượng trong các lần lên tiếng đòi chủ quyền?

“Về cơ bản, Trung Quốc sẽ không giảm các nỗ lực kiểm soát Biển Đông”, Malcom Davis, nhà phân tích kỳ cựu về chiến lược quốc phòng và năng lực của Viện Chính sách chiến lược ở Australia nói.

“Những gì người Trung Quốc muốn là biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ”.

Nhưng Mỹ cũng sẽ không để Trung Quốc tự tung tự tác tại một trong những tuyến đường biển có giá trị nhất thế giới.

Washington nói việc xây dựng và “công sự hóa” các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến số hàng hóa trị giá hàng ngàn tỷ USD, việc đi lại và liên lạc ở khu vực này nằm trong tầm khống chế của Bắc Kinh.
“Chính quyền Trump sẽ không lui bước trước sức ép của Trung Quốc”, ông Davis nói.
Bởi làm vậy sẽ “làm xói mòn nghiêm trọng năng lực của Mỹ và khuyến khích Trung Quốc thêm hung hăng và quyết đoán”.
Ông Davis dự báo rằng tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các nhiệm vụ “tự do hàng hải” gần các đảo tranh chấp, việc họ đã làm cứ hai tháng/lần trong năm 2018.
Các đồng minh của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Australia, Anh, Canada và Pháp cũng đã, hoặc lên kế hoạch phái tàu chiến đi qua Biển Đông, cho dù không tới gần các đảo Trung Quốc chiếm giữ bằng các tàu chiến Mỹ.
Mỗi lần như thế, nguy  cơ về những tính toán sai lầm, như sự cố tàu Lan Châu - Decatur hồi cuối tháng 9 vừa qua, có thể dẫn đến đụng độ nguy hiểm. Trong khi các nhà quan sát nói giữa Mỹ và Trung Quốc rất có thể sẽ xảy ra đụng độ mất kiểm soát nhanh chóng, một số “dư luận viên” của Trung Quốc thậm chí còn lên tiếng kêu gọi hải quân nước này “đi xa hơn”.
“Nếu tàu chiến Mỹ lại xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, chúng ta nên phái hai tàu chiến, một chặn nó lại và một đâm chìm nó”, Đái Húc, chủ tịch Viện An toàn hàng hải và hợp tác Trung Quốc, viết bài đăng lên một trang web tiếng Anh của quân đội Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói ý kiến của Đái không đại diện cho quân đội Trung Quốc. Nhưng cựu hạm trưởng hải quân Mỹ Carl Schuster nói các bình luận của Đái trên trang web của quân đội Trung Quốc cho thấy một mức độ ủng hộ nhất định từ giới tướng lĩnh.
“Mục tiêu là để xem Mỹ có thoái lui để tránh đụng độ hay không”, ông Schuster nói.
Trung Quốc cũng có thể có chiến thuật khác trong năm 2019, theo lời chuyên gia Davis. Đó có thể là giới thiệu các vũ khí mới trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã cho máy bay ném bom H-6K hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, quần đảo Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Việt Nam cộng hòa từ năm 1974. Đây là lần đầu tiên một máy bay có năng lực ném bom hạt nhân hạ cánh xuống đảo ở Biển Đông.
Việc H-6K xuất hiện tại các đường băng ở Đá Vành Khăn hay Đá Chữ Thập ở Trường Sa đồng nghĩa là Australia hay đảo Guam (thuộc Mỹ) cũng nằm trong tầm tác chiến của máy bay này.
Trung Quốc cũng có thể đưa thêm các loại tên lửa đất đối không hoặc đối hạm tiên tiến hơn ra Trường Sa, với tầm bắn hiệu quả để có thể tấn công tàu bè qua lại trên Biển Đông, đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đến tuyến hải lộ nhộn nhịp hàng đầu thế giới.
Ông Davis cho rằng cùng với việc quân sự hóa các đảo trong vòng kiểm soát, Bắc Kinh có thể đi xa đến mức tuyên bố vùng nước giữa các đảo này là chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc, chứ không chỉ trong vòng 12 hải lý quanh các đảo.
“Đó sẽ là một bước đi hướng tới việc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông”, ông nói.
Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo Bắc Kinh đang chơi một trò chơi nguy hiểm, có thể dẫn đến các phản ứng không hề dễ chịu từ Washington. “Chiến thuật đẩy mọi thứ đến bờ vực để đạt lợi thế của Bắc Kinh có thể giúp họ đa dạng hóa các lợi ích chiến lược nếu được thực hiện thành công, nhưng nguy cơ là vô cùng lớn và hậu quả có thể nói là tai họa”, ông Timothy Heath, chuyên gia về châu Á của Rand Corporation, tập đoàn tư vấn chính sách toàn cầu của Mỹ, nói.
Sự thù địch cũng có thể hủy hoại quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN và các thỏa thuận khung về quản lý tranh chấp lãnh hải.
Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn