Tờ báo Nga Nezavisimaya Gazeta dẫn các nguồn tin thân cận cho biết Matxcơva đang tính tới chuyện thành lập căn cứ quân sự tại một trong những hòn đảo của Venezuela ở Caribbean để chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài của Matxcơva tại Nam Mỹ, khu vực vốn được coi là sân sau của Washington.
Căn cứ này nếu được xây dựng sẽ nằm trên đảo Orchila, cách Caracas, thủ đô Venezuela 160km. Hòn đảo này hiện có một sân bay và một căn cứ hải quân của Venezuela và là nơi quân đội Nga từng ghé thăm cách đây 10 năm.
Đảo Orchila. (Ảnh: Google) |
Nhà lãnh đạo quá cố Hugo Chavez từng đề nghị Nga thành lập căn cứ không quân tại đây nhưng Matxcơva thời điểm đó tỏ ra lưỡng lự.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ khác khi mà hiện tại quan hệ Nga-Mỹ đang xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi Washington tuyên bố rút khỏi INF. Quyết định của Mỹ vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Matxcơva khẳng định sẽ có động thái đáp trả nếu bất cứ tên lửa nào của Mỹ đe dọa tới an ninh Nga xuất hiện ở châu Âu.
Nhiều chuyên gia tin rằng một căn cứ không quân ở Venezuela có thể chứa máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo bom hạt nhân có thể sẽ là một trong những biện pháp đáp trả đó.
"Không loại trừ khả năng nếu tất cả các thỏa thuận trong INF bị phá vỡ, chúng tôi sẽ phải thực hiện cả 2 bước đối xứng và bất đối xứng để đảm bảo sự ổn định",ông Andre Koshkin, nhà khoa học chính trị quân sự, trưởng khoa khoa học chính trị và xã hội học tại Đại học Kinh tế Plekhanov nói với RT, khẳng định một căn cứ ở Venezuela có thể là một lựa chọn hợp lý.
Một số chuyên gia khác tin rằng việc Nga tiến vào sân sau của Mỹ là phản ứng khả thi duy nhất để đáp trả việc Mỹ rời khỏi INF, tạo điều kiện cho nước này triển khai các tên lửa tới châu Âu gây ra các mối đe dọa tới Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo khi cả 2 bên cùng làm căng, tình hình có thể trở nên nguy hiểm và thậm chí đẩy 2 nước cận kề bờ vực chiến tranh.
"Điều này có thể trở thành khúc dạo đầu cho một cái gì đó tương tự như Khủng hoảng Caribbean", Konstantin Sivkov, một sỹ quan Hải quân Nga nghỉ hưu nhận định.
Các quan chức Nga hiện chưa bình luận về thông tin của tờ Nezavisimaya Gazeta trong khi Caracas phủ nhận về căn cứ Nga "tiềm tàng" này.
Mặt khác, các quan chức Venezuela cho biết họ sẵn sàng xem xét một lựa chọn như vậy.
"Tôi ước điều đó là sự thật", Chủ tịch Quốc hội Lập hiến Venezuela, ông Diosdado Cabello nói với các nhà báo khi được hỏi về căn cứ này.
Tuy nhiên, nếu Nga thực sự muốn thiết lập một căn cứ ở Venezuela, Matxcơva sẽ phải tính tới việc luật pháp Venezuela không cho phép bất cứ lực lượng nước ngoài nào hiện diện mãi mãi tại quốc gia của họ. Mặc dù vậy, theo NG, Nga có vẻ như đã tìm ra cách "lách luật" khi có thể để các máy bay triển khai luân phiên thay vì đóng quân vĩnh viện tại đây.
Ông Sivkov cho rằng Matxcơva nếu muốn đối phó với Washington cần một căn cứ quân sự với quy mô đầy đủ với năng lực tương đương với căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria.
Chuyên gia này gợi ý rằng Nga ban đầu có thể hiện diện hạn chế ở cấp độ phi đội bay hoặc trung đoàn không quân, sau đó tăng cường hiện diện bằng cách xây dựng kho nhiên liệu và đạn dược cũng như triển khai các hệ thống phòng không tới đây.
Cách đây hơn 1 tuần, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga điều hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack cùng 1 máy bay vận tải quân sự An-124 và 1 máy bay chở khách tầm xa Il-62 thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương dài 10.000km tới Venezuela tham gia diễn tập quân sự.
Tu-160 Nga đáp xuống sân bay Venezuela hôm 11/12. (Ảnh: RT) |
Sự xuất hiện bất ngờ của phi đội máy bay Nga làm xáo động truyền thông phương Tây và khiến Mỹ không khỏi bất ngờ. Giới quan sát cho rằng động thái mới của Nga nhằm mục đích gửi thông điệp răn đe tới Mỹ rằng Matxcơva đang tính tới chuyện hiện diện lâu dài tại Venezuela và sẽ sát cánh bên quốc gia Nam Mỹ nếu Mỹ có ý định can thiệp quân sự.
Một chuyên gia nhận định nếu Nga thực sự tính tới chuyện hiện diện lâu dài ở Venezuela, điều này sẽ đặt ra mối đe dọa chiến lược chưa từng có đối với lục địa Mỹ ở Tây bán cầu.
Theo VTC