Hải quân các nước sử dụng ngư lôi huấn luyện thế nào?

Thứ năm, 20/12/2018, 09:41
Ngư lôi huấn luyện thường được phóng ra từ tàu chiến, tàu ngầm ở vùng biển lặng, ít tàu thuyền qua lại, và được thu hồi ngay sau đó.

Ngư lôi là vũ khí diệt hạm, chống ngầm chủ lực của hải quân các nước, thường được trang bị trên các tàu chiến, tàu ngầm. Để binh sĩ trên các chiến hạm này thuần thục kỹ năng tác chiến với ngư lôi, hải quân các nước thường chế tạo phiên bản ngư lôi huấn luyện gần như giống hệt ngư lôi chiến đấu.

Ngư lôi huấn luyện được chế tạo với đầy đủ tính năng và hệ thống cảm biến, dẫn đường như ngư lôi chiến đấu, chỉ khác ở chỗ chúng không có đầu nổ và phần mũi thường được sơn màu cam để phân biệt. Sau khi được phóng ra khỏi tàu và di chuyển hết tầm, ngư lôi huấn luyện sẽ nổi lên mặt nước để các tàu tham gia huấn luyện thu hồi, theo Soviet Military Review.

Để tạo thuận lợi cho ngư lôi huấn luyện vận hành cũng như cho hoạt động tìm kiếm, thu hồi ngư lôi sau khi phóng, hải quân các nước thường chọn các vùng biển đủ rộng với độ sâu dưới 25m để luyện tập khoa mục phóng ngư lôi.

"Việc huấn luyện chỉ diễn ra trong điều kiện biển lặng và khu vực huấn luyện  đủ an toàn cho các chiến hạm. Nếu có tàu bè khác đi qua khu vực, hoạt động huấn luyện sẽ bị đình chỉ. Các chiến hạm đóng vai trò tàu mục tiêu và tàu hộ tống phải có tốc độ phù hợp, được trang bị hệ thống sonar trong điều kiện làm việc tốt", đại tá hải quân Nga N. Borodin viết.

Trước khi phóng, các tàu thu hồi chuyên dụng được bố trí vào vị trí phù hợp để đón lõng và thu hồi ngư lôi huấn luyện. Chiến hạm mục tiêu và tàu tấn công cũng được trang bị thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ thu hồi ngư lôi sau khi phóng. Nếu việc huấn luyện diễn ra ở vùng biển nông, tàu lặn có thể được huy động để thu hồi ngư lôi.

Theo quy định, sĩ quan phụ trách huấn luyện sẽ có mặt trên tàu mục tiêu hoặc tàu ngầm là người quyết định về tốc độ, hướng di chuyển của tàu mục tiêu và tàu hộ tống trong suốt buổi huấn luyện phóng ngư lôi.

Thợ lặn của hải quân Mỹ thu hồi ngư lôi huấn luyện tại Thái Bình Dương, tháng 4/2007. Ảnh: US Navy.

Để tránh đâm trực diện vào tàu mục tiêu, ngư lôi huấn luyện được thiết lập để hoạt động ở độ sâu dưới đáy của tàu mục tiêu. Khi phóng vào ban ngày, ngư lôi huấn luyện sử dụng thuốc nhuộm, thường là màu xanh lá cây, để đánh dấu đường đi giúp thủy thủ xác định kết quả phóng và vị trí cuối cùng để thu hồi ngư lôi. Nếu hoạt động huấn luyện diễn ra vào ban đêm, ngư lôi huấn luyện sẽ được trang bị hệ thống đèn chuyên dụng.

Các tàu thu hồi sau đó được triển khai để tìm kiếm quả ngư lôi huấn luyện và kéo nó bằng dây cáp ở cuối đuôi tàu. Nếu ngư lôi bị thất lạc hoặc bị chìm, hoạt động huấn luyện sẽ bị ngừng lại, các tàu thu hồi bắt đầu tìm kiếm từ vị trí phóng lôi và kéo dài theo đường đi của ngư lôi huấn luyện.

Việc tìm kiếm được mở rộng ra khu vực có bán kính gấp 2,4 lần tầm phóng của ngư lôi và dừng lại nếu không tìm thấy ngư lôi sau hai lần tìm kiếm toàn bộ khu vực. Diện tích khu vực tìm kiếm có thể thay đổi tùy điều kiện thời tiết trong khu vực tổ chức huấn luyện. Khi phát hiện ra ngư lôi bị chìm, thủy thủ trên tàu thu hồi sẽ dùng phao để đánh dấu vị trí của nó, tạo điều kiện cho tàu lặn tới trục vớt ngư lôi.

Ngư lôi huấn luyện Mk. 46 Mod 5A rời ống phóng. Ảnh: SF.

Tuy nhiên, ngư lôi huấn luyện sau khi phóng có thể bị dòng hải lưu cuốn đến khu vực khác cách xa khu vực huấn luyện. Tháng 4/2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Litva phát hiện một ngư lôi huấn luyện do Nga sản xuất trên bờ biển thuộc mũi đất Curonian, cách biên giới Nga khoảng 1km.

Theo VNE

Các tin cũ hơn