Hội nghị Trump-Kim: Mỹ cần thay đổi tư duy để thuyết phục Triều Tiên

Thứ bảy, 23/02/2019, 11:13
Các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận thiếu sót của Mỹ đã hạn chế kết quả đàm phán với Triều Tiên và Mỹ cần thay đổi cách nghĩ để đạt được hiệu quả cao hơn sau hội nghị ở Hà Nội.

Hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/2 tại Việt Nam.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào tháng 6/2018 đã tạo ra một số lợi ích nhỏ, nhanh chóng và tích cực, đáng chú ý là giảm căng thẳng tăng cao khi đó.

Những lời khiêu khích giữa ông Trump và ông Kim đã nín lặng. Mỹ đã hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên với Hàn Quốc, sau đó nối lại nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Triều Tiên đã đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và trả lại hài cốt của 55 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng giữ lời hứa không thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. (Ảnh: AP.)

Tuy nhiên, từ những khởi đầu đầy hy vọng đó, hai nước sớm gặp bế tắc. Các cuộc thảo luận thất thường giữa hai bên kể từ tháng 6/2018 đã không dẫn đến bất kỳ tiến triển nào về ba vấn đề chính: phi hạt nhân hóa, hiệp ước hòa bình và xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi đó, có báo cáo rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong bài viết trên RealClear World, Rafiq Dossani và Heejin Kim đã phân tích lý do khiến hai nước không thể đạt được tiến bộ đáng kể hơn và đề xuất cách tiếp cận có thể mang lại hiệu quả cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Rafiq Dossani là giám đốc Trung tâm Chính sách Châu Á Thái Bình Dương và là một nhà kinh tế cao cấp tại Tập đoàn RAND phi lợi nhuận, phi đảng phái. Heejin Kim là trợ lý nghiên cứu chính sách tại RAND và là nghiên cứu sinh tại Trường sau đại học Pardee RAND.

Cách tiếp cận thiếu sót của Mỹ

"Tại sao không thể đạt được tiến bộ đáng kể hơn? Dường như yêu cầu của Mỹ cho phần thưởng lớn nhất, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đã kìm hãm mọi kết quả tiềm năng khác", các tác giả bình luận.

Rõ ràng ngay từ đầu, mục tiêu này không bao giờ có thể đạt được như là kết quả đầu tiên của các cuộc đàm phán. Washington nghĩ rằng có thể đạt được phi hạt nhân hóa trước tiên để đổi lấy lời hứa về những lợi ích khác trong tương lai.

Tuy nhiên, cố gắng thuyết phục một chế độ lo ngại bị Mỹ xâm lược dùng tiến trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng để đổi lấy lời hứa đảm bảo an ninh là một cách tiếp cận thiếu sót.

Mặt khác, nếu không phi hạt nhân hóa, Triều Tiên có thể tiếp tục là mối đe dọa đối với Mỹ và thế giới. Thực tế này đã ngăn Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn. Đối với cả Triều Tiên và Mỹ, bên nào đi trước cũng sẽ gặp rủi ro lớn khi sự tin tưởng quá thấp và nguy cơ quá cao.

Tổng thống Donald Trump cầm tài liệu mà ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa ký tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore vào ngày 12/6/2018. (Ảnh: AP).

Xây dựng lòng tin cần có thời gian. Nếu tiền đề cơ bản này được chấp nhận, các cuộc đàm phán không chính thức có thể không tập trung vào các kết quả lớn mà là các kết quả cơ bản.

Khi các bước đi căn bản này tăng tiến dần theo thời gian, niềm tin vào sự sẵn sàng hợp tác của bên kia có thể tăng lên ở cả hai phía.

Ngay cả việc đồng thuận với các biện pháp nhỏ cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Bước đầu tiên là mở cửa thương mại hạn chế với Triều Tiên trong một khoảng thời gian xác định để đổi lấy việc dừng sản xuất vũ khí mới.

Tuy nhiên, ngay cả bước này cũng có thể đòi hỏi xác minh và có đi có lại. Hơn nữa, mỗi bên có thể cần chấp nhận thua thiệt, bên cạnh lợi ích.

Theo các tác giả, vì lý do này, tốt hơn là kết hợp nhiều biện pháp nhỏ vào một thỏa thuận thay vì tìm kiếm đồng thời các biện pháp đôi bên cùng có lợi. Một sự kết hợp như vậy có nhiều khả năng chứa đủ lợi ích cho mỗi bên từ một số điều khoản để bù đắp cho việc chấp nhận thua thiệt đối với các điều khoản khác.

Khi đó, hội nghị thượng đỉnh có thể được xem như một bước nhỏ khác dẫn đến kết quả mong muốn cuối cùng. Vai trò của lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh là xem xét tiến trình đạt được kể từ hội nghị thượng đỉnh trước đó và thống nhất một loạt bước đi mới, bao gồm cả việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Bài học từ thượng đỉnh liên Triều

Sự phát triển trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vào năm 2018 cho thấy các cách tiếp cận ngắn hạn có thể dẫn đến những đột phá thực sự.

Trong bài phát biểu năm mới 2018, ông Kim đã đề xuất gửi phái đoàn đến Thế vận hội Mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Sự khởi đầu nhỏ này nhanh chóng dẫn đến việc mở lại đường dây nóng giữa Seoul và Bình Nhưỡng, vốn bị đóng cửa gần hai năm.

Tại Thế vận hội mùa đông tháng 2/2018, người Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng nhau diễu hành trong lễ khai mạc và tổ chức một đội khúc côn cầu nữ chung. Đến tháng 4/2018, giao lưu văn hóa bắt đầu, cuộc chiến tuyên truyền ở biên giới được chấm dứt.

Chân dung Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được trưng bày trong một cuộc triển lãm ở Phủ tổng thống Hàn Quốc tại Seoul, ngày 3/1. (Ảnh: AP.)

Trong hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2018, ông Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã thống nhất các biện pháp cụ thể với các mốc thời gian tương ứng, bao gồm đạt được tuyên bố kết thúc chiến tranh trong vòng một năm và kết nối đường sắt giữa hai nước.

Đến tháng 7/2018, hai nước thống nhất thành lập khu vực hòa bình trên biển, rút quân và vũ khí khỏi khu phi quân sự. Tháng 11/2018, với sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc, hai bên đã tiến hành một nghiên cứu khả thi về cơ sở hạ tầng đường sắt mới để kết nối hai nước và một chuyến tàu của Hàn Quốc đã chạy thử qua Triều Tiên.

Trong suốt thời gian này, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ba lần vào tháng 4, tháng 5 và tháng 9/2018. Họ đồng ý tiếp tục gặp nhau vào năm 2019.

Các cuộc họp thượng đỉnh của họ được sử dụng để phê chuẩn các bước sắp tới cho đến hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, thay vì đóng vai trò như bước cuối cùng trong quá trình.

Ban đầu, những bước này có vẻ nhỏ. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được vào tháng 11/2018 đã vượt xa tưởng tượng so với trước đó chưa đầy một năm, khi ông Kim Jong Un đề xuất tham gia Thế vận hội Mùa Đông.

Ông Kim Jong Un nói rằng ông muốn Triều Tiên trở thành một quốc gia "bình thường". Việc chấp thuận một loạt biện pháp ngắn hạn trong một khoảng thời gian có thể tiết lộ mức độ trung thực trong tuyên bố của ông và mở đường cho việc đạt được các mục tiêu lớn hơn.

"Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới có thể là từ những  bước đi nhỏ", các tác giả kết luận.

Theo Zing

Các tin cũ hơn