Khó như việc chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ ba, 26/02/2019, 09:18
Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu giữa lãnh đạo Mỹ và CHDCND Triều Tiên đòi hỏi nhiều vòng đàm phán căng thẳng và có nguy cơ đổ vỡ phút cuối.

Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại cuộc gặp lần đầu ở Singapore

Khó như việc chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ - Triều, điều này được thể hiện rõ nét khi Singapore tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un hồi tháng 6.2018. Phái đoàn hai bên đã phải đàm phán tất cả mọi chi tiết dù là nhỏ nhất từ địa điểm, chỗ ngồi, lãnh đạo nào nên vào phòng họp trước và cùng ai, số lượng đồ ăn, thức uống dùng trong lúc lãnh đạo nâng ly chúc mừng cho đến các loại quà tặng. Là nước chủ nhà, Singapore chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên các tuyến đường và địa điểm diễn ra sự kiện.
Tuy nhiên, Mỹ và Triều Tiên sẽ có biện pháp riêng đảm bảo an ninh cho lãnh đạo của họ. Khi công du nước ngoài, Tổng thống Trump đều được hộ tống bởi một đội mật vụ, những chiếc limousine, trực thăng…
Về phía Triều Tiên, Chủ tịch Kim có những yêu cầu an ninh đặc biệt như: cận vệ chạy bộ bên cạnh xe hơi và không cho phép phóng viên chụp ảnh ông bước vào hay ra khỏi xe hơi. Bên cạnh đó, phái đoàn Triều Tiên mang theo thức ăn riêng cho Chủ tịch Kim và yêu cầu có khu vực đặc biệt dành riêng cho các đầu bếp. Rào cản ngôn ngữ cũng là thách thức trong công tác đảm bảo an ninh phối hợp với phía Triều Tiên. “Trong lúc kiểm tra an ninh các địa điểm tổ chức thượng đỉnh, chúng tôi chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cử chỉ”, ông Terrence Lee, đại diện nhóm kiểm tra an ninh thuộc Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF), nói với tờ The Straits Times.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời các nhà ngoại giao Mỹ cho hay họ nắm rõ Tổng thống Trump thường tiếp xúc với lãnh đạo nước ngoài đôi lúc không theo nguyên tắc ngoại giao chính thống nên phải để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn Chủ tịch Kim ngồi phía bên nào tại bàn hội nghị.
Theo thông lệ, lãnh đạo có vị thế cao hơn thường bước vào phòng họp cuối cùng và ngồi cách xa cửa. Giải pháp cho cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore là chọn căn phòng có 2 lối vào. Các nhà tổ chức sự kiện còn phải kiểm tra kỹ lưỡng khóa cửa. Ngoài ra, còn có nhiều chi tiết nhỏ nhất cũng được lên kế hoạch, chẳng hạn hai lãnh đạo phải đi bao nhiêu bước trước khi dừng chân để chụp ảnh. Hai bên thậm chí đàm phán về việc quốc kỳ có được phép xuất hiện trong ảnh chụp chung chính thức hay không.
Ít nhất 7.400 viên chức Singapore được điều động từ khắp các bộ ngành để chuẩn bị cho sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Công tác chuẩn bị khá gấp rút và bắt đầu chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần trước thượng đỉnh. “Tất cả thông tin chi tiết lịch trình, địa điểm chỉ được xác nhận một tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh với những thay đổi liên tục. Đây là một thách thức lớn”, Tư lệnh SAF, thiếu tướng Melvyn Ong chia sẻ với tờ The Straits Times.
Chẳng hạn, Chủ tịch Kim yêu cầu có chuyến tham quan một số địa điểm nổi tiếng của Singapore như Marina Bay Sands vào tối 11.6. Phía Triều Tiên chỉ thông báo về yêu cầu này vài giờ trước đó. SAF và cảnh sát phải ngay lập tức điều động lực lượng đến kiểm tra an ninh, đề phòng mối đe dọa vũ khí sinh học, hóa học, phóng xạ hoặc bom.
Tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, về phía Mỹ, ngay sau khi đến Singapore vào ngày 10.6.2018, Tổng thống Trump có ý định dời cuộc gặp thượng đỉnh sớm hơn một ngày, tờ The Washington Post dẫn lời giới chức Nhà Trắng tiết lộ. “Chúng ta đang ở đây. Tại sao chúng ta không tiến hành cuộc gặp sớm hơn”, Tổng thống Trump nói. Phái đoàn Mỹ lúc bấy giờ lo ngại cuộc gặp bị hủy vào phút cuối, nhưng sau đó Tổng thống Trump từ bỏ ý định và giữ đúng lịch trình đã thống nhất. Giới chức Mỹ cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Singapore vì xử lý bất đồng, yêu cầu đột xuất, thay đổi liên tục vốn có nguy cơ dẫn đến hủy cuộc gặp, theo AP.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn