Một tuần sau khi mất đi người thân sau thảm kịch trên biển Java, thân nhân các hành khách trên chuyến bay JT610 xấu số của Lion Air được gọi tới phòng họp báo của một khách sạn. Tại đây, họ được các nhân viên của Lion Air hướng dẫn ký vào vào một bản cam kết với lời hứa hẹn sẽ nhận 1,3 tỷ rupiah (hơn 2,1 tỷ đồng) nếu ký vào đó, theo New York Times.
Đây là khoản bồi thường bắt buộc mà các hãng hàng không phải trả cho người thân các nạn nhân nếu có tai nạn chết người. Với những người mất đi trụ cột gia đình, khoản tiền này rất cần thiết. Tuy nhiên, một số người không hề biết rằng đây gần như là mức đền bù tối thiểu theo luật của Indonesia.
Thêm vào đó, việc Lion Air đưa ra những điều kiện đáng ngờ trước khi họ giải ngân số tiền trên làm dấy lên những nghi vấn về tính hợp pháp của các khoản thanh toán này.
Người nhà nạn nhân tưởng niệm người thân đã bỏ mạng trên chuyến bay xấu số. |
Theo New York Times, để nhận được tiền bồi thường, người nhà các nạn nhân sẽ phải ký vào bản cam kết, trong đó quy định họ sẽ không được theo đuổi các hành động pháp lý chống lại Lion Air, các bên hỗ trợ về tài chính và bảo hiểm cũng như Boeing, hãng sản xuất dòng máy bay gặp nạn 737 Max 8. Ngoài ra, họ phải hứa không được tiết lộ về các điều khoản trong bản cam kết.
Điều này không hề có trong bất cứ bộ luật nào. Một đạo luật hàng không Indonesia năm 2011 quy định khi thân nhân nạn nhân nhận các khoản bồi thường, họ vẫn sẽ có quyền theo đuổi các hành động pháp lý chống lại hãng hàng không hay bất cứ thực thể nào có liên quan tới vụ tai nạn.
"Thân nhân các nạn nhân không có nghĩa vụ phải ký vào bất cứ yêu cầu nào. Có thể hãng hàng không đang dùng mánh khóe. Phần ký kết này không có cơ sở pháp lý nhưng đây là thứ mà hãng hàng không buộc các gia đình phải ký vào ", ông Ahmad Sudiro, trưởng khoa luật Đại học Tarumanagara ở Jakarta cho hay.
Theo bản sao mà NYT có được, bản cam kết bao gồm 8 trang liệt kê hàng trăm công ty, các nhà thầu phụ của Boeing mà người ký sẽ không được phép kiện nếu muốn nhận tiền.
Trước thông tin này, Boeing từ chối bình luận về các điều khoản trong thỏa thuận.
"Đây là tài liệu không chính thống từ Lion Air, Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì như vậy", ông Charles Herrmann, luật sư đại diện cho thân nhân các hành khách trong vụ máy bay Lion Air rơi và từng có hàng chục năm theo đuổi các vụ kiện liên quan tới tai nạn hàng không cho biết.
Đã gần 6 tháng kể từ thảm họa xảy ra trên biển Java, tuy nhiên câu hỏi về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn cho tới vẫn đang bỏ ngỏ.
Với thân nhân các hành khách, khi nỗi đau còn chưa nguôi ngoai, việc bị gây áp lực để chấp nhận một khoản bồi thường và từ bỏ tất các quyền được kiện khiến họ càng trở nên tuyệt vọng.
Nhiều người cho biết họ không được mang các bản sao bản cam kết về nhà để nghiên cứu trước khi ký. Một số nói rằng họ bị cấm đưa luật sư đi cùng khi bị gọi tới khách sạn dù trong bản cam kết nói rõ "được tham vấn ý kiến của luật sư".
Người thân đau xót tìm kiếm vật dụng của nạn nhân sau thảm họa rơi máy bay Lion Air. (Ảnh: Reuters) |
Một quan chức của Lion Air xuất hiện trong phòng và ghi lại hình ảnh những ngưới ký vào bản cam kết đó.
"Không có thời gian để đọc cẩn thận và kiểm tra lại nó. Đây là hành động nhẫn tâm và không hợp pháp", Latief Nurbana, bà mẹ có con trai là nạn nhân trong vụ tai nạn cho biết.
Nhiều người đã không ký vào bản cam kết này.
Các quan chức của Lion Air cho tới nay vẫn chưa bình luận về thông tin trên.
Theo các nhà điều tra chính phủ, Lion Air, hãng hàng không với lịch sử an toàn bay không mấy an toàn, trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng từng nhiều lần dùng tiền để tìm cách chôn vùi và khiến các sự cố trôi vào quên lãng.
Một cựu điều tra viên an toàn giao thông của Indonesia cho biết một nhân viên của Lion Air từng cố trao một chiếc túi đen chứa đầy tiền khi các cơ quan chức năng đang điều tra vụ rơi máy bay nghiêm trọng khiến 25 người thiệt mạng năm 2004.
Khi các nhà điều tra từ chối nhận tiền, ông Edward Sirai, hiện là Giám đốc điều hành Lion Air đã thắc mắc vì sao số tiền này lại bị từ chối.
Một cựu nhân viên cấp cao của Lion Air cũng xác nhận rằng trong thời gian ông còn làm việc tại hãng bay, công ty thường cố gắng chuyển các khoản lót tay tới các nhà điều tra của chính phủ, những người sống bằng khoản lương không mấy dư dả.
Vinni Wulandari, em gái của cơ phó Harvino trên chuyến bay xấu số cho biết kể từ khi gia đình cô theo kiện Boeing, Lion Air đã từ chối trả khoản trợ cấp của anh trai mình và cũng không cung cấp khoản trợ cấp giáo dục cho con gái anh như những gì họ cam kết.
"Công ty không muốn gặp mặt tôi. Họ chặn số điện thoại. Thật là khủng khiếp với những gì mà họ đối xử với chúng tôi", cô tỏ ra bức xúc.
Theo VTC