Những cán bộ nào của TP.HCM đi nước ngoài bị "điểm danh" ?

Thứ sáu, 22/03/2019, 14:01
Theo quy định của UBND TP.HCM, cán bộ trực thuộc đi nước ngoài 2 lần/năm, trước khi đi phải xin phép, đi về phải báo cáo. Tuy nhiên, nhiều cán bộ đã vi phạm quy định này.

Do bị đình chỉ chức vụ, ông Tề Trí Dũng, đại biểu HĐND TP.HCM, đã vắng họp tại kỳ họp cuối năm 2018

Cán bộ “đi nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”, vừa trở về sau 3 tháng xuất ngoại, là ông Hoàng Như Cương. Ông Cương từng là Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR). Tháng 12.2018, khi đang đương chức, ông Cương đã đi Mỹ. Trước khi trở về và đến MAUR vào ngày 20.3, ông Cương đã bị kỷ luật đình chỉ chức vụ về mặt Đảng.

Vụ xuất ngoại đang gây xôn xao dư luận, đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Yến Trinh (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), vợ ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; và ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM. Trong năm 2018, bà Trinh và ông Hoàng xuất ngoại 3 lần, đến lần thứ 3 thì phát sinh đơn tố cáo.

Theo quy định hiện hành, cán bộ đi nước ngoài có vi phạm, về mặt Đảng, nếu thuộc diện Thành ủy TP.HCM quản lý, thì Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và Thường vụ Thành ủy sẽ có hướng xử lý kỷ luật về mặt Đảng (có thể khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ).
Trên cơ sở đó, về mặt hành chính nhà nước, sẽ bị cơ quan chủ quản xử lý tương ứng, theo các mức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (có thể vẫn còn là công chức) hoặc buộc thôi việc (không còn là công chức nữa).

Cùng đợt xuất ngoại bằng tiền ngân sách nhà nước gây xôn xao dư luận này, còn có 3 người của Sở GD-ĐT: Phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng Đỗ Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ; 15 người là hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TP.HCM; 4 Trưởng phòng GD-ĐT: Q.7, Q.8, Q.Tân Bình và H.Nhà Bè. Qua toàn bộ diễn biến vụ việc, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm nghiêm túc.

“Đình đám” nhất trong các vụ đi nước ngoài bị “điểm danh” là trường hợp ông Tề Trí Dũng, người được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc khi mới 34 tuổi, nắm quyền lực chi phối ở hầu hết các công ty con, liên doanh và liên kết của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước).

Năm 2016, ông Tề Trí Dũng đi nước ngoài 46 ngày, năm 2017 thì đi nước ngoài 60 ngày, trong đó có chuyến đi châu Âu kéo dài 18 ngày. Cuối năm 2018, ông Tề Trí Dũng bị đình chỉ chức vụ để phục vụ cho công tác điều tra, thanh tra.

Cũng tại IPC, trong năm 2016 - 2017, hàng loạt cá nhân lãnh đạo khác từ cấp phòng đến Ban tổng giám đốc cũng đi nước ngoài nhiều lần, mỗi lần kéo dài nhiều ngày với số ngày cao nhất lên đến 65 ngày/người/năm; có lãnh đạo, số ngày nghỉ phép đi nước ngoài về việc riêng (đã trừ các ngày nghỉ theo quy định) lên đến 49 ngày… Điều đáng nói là số tiền có nguồn gốc vốn ngân sách mà IPC đã chi cho lãnh đạo IPC đi nước ngoài lên đến hàng tỉ đồng.

Vấn đề quản lý cán bộ đi nước ngoài được lãnh đạo UBND TP.HCM quan tâm trong phiên họp tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 2.2019, diễn ra sáng 5.3 vừa qua.

Trước đề nghị báo cáo về tình hình cán bộ TP.HCM đi nước ngoài trong thời gian vừa qua, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, cho hay vừa qua Thanh tra TP.HCM có thanh tra tình hình này, từ đó phát hiện một số vấn đề cần chấn chỉnh.

Nghe ông Trương Văn Lắm báo cáo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay đi nước ngoài là đi công tác, có nhiệm vụ, kết quả rõ ràng chứ không phải đi du lịch. Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong năm vừa qua, cán bộ, công chức đi nước ngoài nhìn chung nghiêm túc, tuy vậy có một số nơi không đảm bảo quy định này.

Như PV đã đưa tin, ngày 11.1, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với 2 đảng viên thuộc  Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI, 100% vốn nhà nước) là ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy.
Cụ thể, ông Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) bị cảnh cáo về mặt Đảng, bị cảnh cáo về mặt chính quyền. Bà Nguyễn Thị Thúy, Đảng ủy viên, Giám đốc Tài chính - kế toán, kế toán trưởng SAGRI cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, từ ngày 3.10 - 1.11.2016, ông Lê Tấn Hùng đã ký khống 10 hợp đồng đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng. 10 hợp đồng này đã được 2 công ty du lịch tổ chức thực hiện và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn