Thách thức với ASEAN khi đàm phán COC cùng Trung Quốc

Thứ sáu, 02/08/2019, 11:27
Quy định ràng buộc pháp lý cho COC là một trong những trở ngại lớn ASEAN đối mặt khi đàm phán với Trung Quốc, theo các chuyên gia.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông hồi năm 2014. (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 31/7 tuyên bố tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Thái Lan rằng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) "nhất định" sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn ba năm tới. Phát biểu được ông Vương đưa ra sau khi ASEAN và Trung Quốc thực hiện Vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo một "bầu không khí giả tạo" về sự kiềm chế và hợp tác ở Biển Đông khi họp với ASEAN. Việc thực hiện Vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC cũng không phải là điều gì lớn lao, nếu xét đến tiến trình thảo luận văn kiện này.

COC là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến Biển Đông. COC được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung Quốc thảo luận từ năm 2002, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông gia tăng.

Nhưng suốt nhiều năm, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn, bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC.

Với Trung Quốc, COC chỉ có thể là một công cụ không mang tính ràng buộc về pháp lý, được sử dụng để cải thiện lòng tin khu vực hơn là giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, các thành viên ASEAN lại kỳ vọng COC là một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý, góp phần tích cực vào giải quyết bất đồng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, theo Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu.

Đến năm 2013, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng với các nước ASEAN trên Biển Đông, Trung Quốc nhất trí bắt đầu quá trình tham vấn chính thức về COC.

Trong một hội nghị hồi tháng 5/2017 tại Quý Châu, sau gần 4 năm đàm phán, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc mới hoàn tất dự thảo khung của COC, nhưng không công bố chi tiết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc giữ kín chi tiết của dự thảo khung nhằm "ngăn sự can thiệp từ bên ngoài".

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) ở Singapore đầu tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC. Đây được coi là một tiến triển ở Biển Đông, hướng tới đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang. Trung Quốc hy vọng việc đàm phán COC sẽ kết thúc vào năm 2021.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con đường để dẫn tới một bộ quy tắc ứng xử đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên ở Biển Đông vẫn còn rất chông gai.

Thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt trong quá trình đàm phán COC là đưa ra một quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không chịu nhượng bộ đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này, vốn được Bắc Kinh coi là "lợi ích quốc gia cốt lõi".

Một thách thức nữa mà ASEAN và Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình đàm phán COC chính là hiệu lực pháp lý của văn kiện. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hồi năm 2017 nhấn mạnh câu hỏi về tính ràng buộc pháp lý của COC sẽ là một vấn đề chủ chốt trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

"Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã không phải một văn kiện ràng buộc pháp lý, thế nên khi chúng tôi tiến tới COC, nó phải có thêm hiệu ứng pháp lý đáng kể", ông nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ngoài cùng bên trái) trao đổi văn kiện dự thảo khung COC với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (thứ hai từ phải sang) tại Manila, Philippines, năm 2017. (Ảnh: AFP).

Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Philippines, cho rằng trong lúc chờ đợi COC ra đời, các bên có 4 cách để củng cố văn kiện có ý nghĩa quan trọng này.

Đầu tiên, phạm vi áp dụng của COC nhất thiết phải bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough, bởi đây là những khu vực chứng kiến căng thẳng trên biển ngày càng gay gắt.

Thứ hai, COC cần phải có quy định rõ đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các điều khoản cấm nên mở rộng đối với cả hành động đơn phương điều động giàn khoan dầu và khai thác năng lượng, tránh ngôn ngữ thù địch trong cảnh báo vô tuyến để tiếp cận máy bay nước ngoài, không tha thứ đối với hành vi đánh bắt cá trái phép và không dùng tàu quân sự bắt ngư dân vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm "quân sự hóa" bởi một số phương tiện và thiết bị, chẳng hạn trạm quan trắc thời tiết, có chức năng kép.

Thứ ba, vì Trung Quốc luôn cáo buộc Mỹ là bên gây bất ổn ở Biển Đông và họ chỉ đơn thuần đáp trả những hành động "khiêu khích" quân sự của Mỹ, việc thêm Mỹ vào như một bên liên quan trong COC cũng nên được cân nhắc. Nếu Mỹ tham gia, các cường quốc khác cũng có thể cân nhắc gia nhập.

Cuối cùng, để COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nó cần có điều khoản quy định về các biện pháp trừng phạt một quốc gia phải chịu khi vi phạm hoặc từ chối tuân thủ.

"Với ASEAN, COC có vai trò quan trọng trong việc thể hiện năng lực thể chế và tính trung tâm. Với Trung Quốc, đây là cơ hội để lấy lại uy tín sau những hành vi cải tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo. Nhưng nếu COC không phát huy hiệu lực, cả uy tín của ASEAN lẫn Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề an ninh khu vực sẽ bị xói mòn nghiêm trọng", Rabena lưu ý.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích