Những đòn ăn miếng trả miếng tuần qua giữa Washington và Bắc Kinh làm rúng động thị trường toàn cầu, đe dọa nền kinh tế thế giới. Cuộc chiến thương mại song phương đẩy đến ngưỡng khó lường, theo CNN.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters. |
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, và trước đó là Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố “không ngại đánh” nếu cần thiết, dù không muốn đối đầu thương mại với Mỹ.
Nếu Bắc Kinh thực hiện đúng lời đe dọa của mình, họ có thể tận dụng vũ khí lợi hại có sẵn trong tay: Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể châm ngòi khủng hoảng thị trường trái phiếu nếu bán tháo lượng lớn trong 1.100 tỷ USDtrái phiếu Mỹ mà họ nắm giữ. Động thái này có thể khiến giá trái phiếu Mỹ sụp đổ, làm lãi suất và chi phí vay của Mỹ tăng mạnh.
Việc bán tháo sẽ là “phương án hạt nhân” của Trung Quốc. Giá trái phiếu Mỹ rơi tự do sẽ làm lãi suất tăng nhanh khi lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ được xem là mốc đối chiếu cho tín dụng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đòn đánh của Trung Quốc sẽ làm tăng giá các khoản nợ doanh nghiệp, thế chấp và khoản vay tại Mỹ. Hệ quả là tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chững lại sau thời gian dài khởi sắc. Tâm lý hoảng loạn lan rộng cũng đe dọa cả sự ổn định của đồng USD.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có lý do hợp lý để không bấm nút “khai hỏa” vũ khí này. Việc bán tháo trái phiếu Mỹ có thể không mang lại tác động mà họ mong muốn trong đàm phán thương mại. Bên cạnh đó, động thái còn có nguy cơ phản tác dụng và làm hại chính nền kinh tế Trung Quốc.
“Dường như đó không phải là công cụ hiệu quả nhất và khả thi với Trung Quốc”, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ Drad Setser, nghiên cứu viên cấp cao tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cảnh báo.
Các chỉ số chính ở thị trường chứng khoán New York đã tăng trở lại trong phiên 7/8 sau một ngày "nhuốm máu" vì những động thái leo thang thương chiến của cả Bắc Kinh và Washington. Ảnh: WSJ. |
Theo Michael Hirson, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại hãng tư vấn Eurasia Group, phương án bán tháo trái phiếu ẩn chứa nhiều rủi ro lớn và không phù hợp với chiến lược hiện nay của Trung Quốc.
“Rõ ràng các bên đang trong một vòng xoáy leo thang. Tôi nghĩ động lực chính của Bắc Kinh lúc này trong thương chiến là cầm cự trước sức ép từ ông Trump. Trước tiên là phải kiên cường”, cựu trưởng đại diện của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh nhận định.
Đặt trong góc nhìn này, việc bán tháo trái phiếu Mỹ không mang lại hiệu quả. Nếu bán đi một lượng lớn và làm sụp đổ giá trị trái phiếu, lượng tài sản còn lại mà Trung Quốc nắm giữ cũng trở nên mất giá trị.
Việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ có thể gây hậu quả ngược lại đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Bắc Kinh lại cần khối tài sản này để bảo vệ chính đồng tiền của mình. Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ thiết kế một đợt giảm giá có kiểm soát cho đồng tệ trong vòng vài tháng tới.
Biện pháp này giúp giảm bớt áp lực cho nền kinh tế từ các lệnh áp thuế của Mỹ, giúp hàng hóa xuất khẩu có giá rẻ hơn và ngăn dòng “chảy máu” tiền gửi ra nước ngoài.
Việc bán tháo trái phiếu Mỹ cũng gây hại đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.
“Họ cần dòng ngoại tệ chảy vào Trung Quốc để gối đầu cho đồng tiền trong thương chiến này. Nếu Trung Quốc vũ khí hóa trái phiếu, điều này sẽ gửi thông điệp đáng báo động tới các nhà đầu tư trên thế giới”, Hirson cảnh báo.
Cũng có những hoài nghi rằng phương án hạt nhân của Bắc Kinh khó tạo ra ảnh hưởng thật sự với Mỹ. “Đến khi biện pháp này bắt đầu có tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang (FED) chắc chắn có phương án phản ứng”, Drad Setset nhận định.
Trong báo cáo với Hạ viện Mỹ năm 2012, bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh FED “hoàn toàn đủ năng lực” mua lại lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc bán tháo ra thị trường để tránh các hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn khác ngoài trái phiếu Mỹ để gửi gắm gần 3.100 tỷ USDdự trữ ngoại tệ quốc gia. Trái phiếu Đức và Nhật Bản là phương án thay đổi điển hình, nhưng lãi suất lại không cao bằng.
Con số 1,63% lãi suất trong 10 năm của trái phiếu Mỹ hấp dẫn hơn nhiều so với mức lãi -0,59% của trái phiếu Đức, vốn vừa rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay trong ngày 7/8. Để dễ hình dung, mức lãi suất này đồng nghĩa Trung Quốc phải trả thêm tiền để “được” Đức vay tiền.
Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã hồi phục nhẹ trở lại hôm 7/8 sau một ngày giảm sâu trước các động thái leo thang thương chiến của cả Bắc Kinh và Washington.
Tuy vậy, giới chuyên gia đánh giá tình hình bất ổn sẽ không sớm kết thúc mà sẽ còn tiếp diễn. Hiện thị trường vẫn tiếp tục theo dõi sát động thái của các ngân hàng trung ương liên quan tới lãi suất cơ bản dù lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục.
"Đây là tình huống chưa xảy ra bao giờ" R.J. Grant, Giám đốc giao dịch của KBW, nói với Wall Street Journal.
Theo Zing