Các khách hàng xem súng tại một cửa hàng ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. |
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, hai vụ xả súng diễn ra tại thành phố El Paso, bang Texas và Dayton, bang Ohio cuối tuần qua, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đây là hai địa điểm gần đây nhất tại Mỹ chứng kiến thảm kịch xả súng và một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận dường như không thể đi đến hồi kết về luật kiểm soát súng đạn.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thường đưa ra những phản ứng hoàn toàn khác nhau sau mỗi vụ xả súng. Phe Dân chủ chỉ trích chính quyền thiếu kiên quyết trong việc đưa ra các quy định về súng đạn, đồng thời đổ lỗi cho Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và những người vận động hành lang về súng.
"Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện vẫn tiếp tục không hành động, làm tổn hại uy tín của chúng ta trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội, đồng thời chấm dứt 'dịch bệnh' nãy mãi mãi", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 4/8 phát biểu.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng luật pháp không phải vấn đề, mà các bệnh về tâm thần mới là nguyên nhân dẫn tới bạo lực súng đạn, khi những tay súng thường được cho là không thể thích nghi với xã hội. "Súng không thể tự giết người, mà chỉ có người giết người", các nghị sĩ ủng hộ quyền sử dụng súng ở Mỹ thường nói.
Người quen của Patrick Crusius, nghi phạm xả súng ở thành phố El Paso, cũng mô tả thanh niên 21 tuổi này là một người "ít nói, chống đối xã hội và khá kỳ lạ".
Theo Austin Sarat và Jonathan Obert, hai chuyên gia tại Đại học Amherst ở bang Massachusetts, người Mỹ dường như đang mắc kẹt trong "vòng luẩn quẩn" về ý nghĩa và giới hạn của quyền sử dụng vũ khí được quy định trong Hiến pháp. Phe Dân chủ cho rằng những người sở hữu súng bị NRA mua chuộc, trong khi những người bảo thủ ủng hộ dùng súng cảm thấy lo lắng trước nguy cơ chính quyền tước đi khả năng tự vệ của họ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về văn hóa và quan điểm chính trị của những người sử dụng súng cho thấy một thực tế rất khác. Họ không đồng ý hoàn toàn với các quan điểm của NRA, mà bản thân súng đạn đã len lỏi vào đời sống của họ, không còn chỉ là công cụ tự vệ mà đã trở thành một nét văn hóa. Điều này cho thấy quá trình cải cách luật súng đạn sẽ không đơn giản như phe Dân chủ hy vọng và như phe Cộng hòa lo sợ.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW thực hiện vào năm 2017, đa số người Mỹ sở hữu súng không phải thành viên của NRA và hầu hết ủng hộ việc ban hành một số luật kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, hầu hết họ không thúc đẩy hơn nữa quá trình này bởi không tin vào chính phủ và cho rằng luật pháp không bảo vệ được họ.
Những người này còn bất mãn với thái độ mà họ cho là sự coi thường của cựu Tổng thống Barack Obama, khi ông nói việc họ "bám víu vào súng hoặc tôn giáo" là cách thể hiện "sự ác cảm với những người không ưa họ và biện minh cho sự thất vọng của mình". Nhiều người Mỹ luôn cảm thấy mình phải chống chọi với cả thế giới nguy hiểm bên ngoài, nên họ cần súng.
Theo Sarat và Obert, tình hình buôn bán, sản xuất và phân phối súng, cũng như quan điểm của những người sở hữu chúng, phản ánh phần nào sự yếu kém của chính phủ, nhu cầu duy trì sự cảnh giác thường trực và nỗi sợ hãi lẫn nhau của người dân Mỹ. Với mức độ nguy hiểm cao, súng trở thành dạng quyền lực trực tiếp trong một xã hội bị cho là thiếu niềm tin và quyền công dân.
Trong cuộc khảo sát của PEW, 67% người sở hữu súng nói rằng tự vệ là nguyên nhân chính khiến họ phải mua loại vũ khí này. Những lý do khác được đưa ra là dùng để săn bắn, chơi thể thao và sưu tầm.
Các chuyên gia giải thích rằng về mặt văn hóa, súng không chỉ phản ánh nỗi lo lắng, mà còn là tài sản có ý nghĩa với chủ nhân của chúng, kết nối con người trong xã hội. Những người yêu thích súng tập hợp lại với nhau trong các buổi triển lãm, tại trường bắn và phòng chat trên mạng. Ở cấp độ giải trí, họ thảo luận với nhau về sở thích. Còn về mặt văn hóa và chính trị, họ có thể đưa ra một cam kết chung về quyền vũ trang của công dân.
Một buổi triển lãm súng tại thành phố Louisville, bang Kentucky, Mỹ hồi tháng 5/2016. (Ảnh: Reuters). |
Những người sở hữu súng gắn kết với nhau dựa trên nỗi sợ hãi chung về các mối đe dọa không thể đoán trước trong cuộc sống hiện đại. Khảo sát của PEW kết luận rằng nhiều người mua súng sống trong một "vòng tròn xã hội" mà việc sở hữu súng trở thành chuẩn mực. Gần một nửa số người sở hữu súng thừa nhận hầu hết bạn bè của họ cũng mua súng. Trái lại, chỉ 1/10 số người không mua súng có bạn bè sở hữu loại vũ khí này.
Những kết nối xã hội đó là một phần cuộc sống của những người sở hữu súng, khiến súng trở nên có ý nghĩa với họ. Nhà xã hội học David Yamane kết luận rằng theo quan điểm này, "súng trở nên bình thường và những người bình thường sử dụng chúng".
Sarat và Obert cho rằng chính quyền Mỹ, đặc biệt là những người muốn siết chặt luật súng đạn, cần nhận ra rằng với nhiều người sở hữu súng, loại vũ khí này không chỉ là công cụ giết chóc. Chúng giúp thể hiện và thay đổi nhận thức chính trị cũng như quyền lực mà người sở hữu chúng có được với tư cách công dân. Bất cứ cải cách thực sự nào về luật súng đạn cũng cần phải tính đến yếu tố kết nối cộng đồng và hệ thống giá trị này.
Các chuyên gia nhận định phe Dân chủ cần biến hàng triệu người sở hữu súng trở thành đồng minh của mình. Trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ xả súng xảy ra, những người sở hữu súng cần thúc đẩy hơn nữa việc đưa ra quy định về súng đạn, nhằm tạo ra những thay đổi cần thiết để bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, để những người sở hữu súng sẵn sàng thực hiện điều này, họ cần phải được đảm bảo rằng nền văn hóa súng đạn sẽ không bị phá vỡ.
Theo VNE