|
Mỗi khi có mưa, các tuyến đường tại TP.Hồ Chí Minh lại biến thành sông. |
Chưa phát huy hiệu quả
Theo báo cáo của UBND TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.Hồ Chí Minh tập trung nhiều vào công tác chống ngập. Theo kế hoạch đề ra, TP.Hồ Chí Minh xác định giải quyết 40 tuyến đường ngập do mưa, giải quyết 9 tuyến đường ngập do triều và 179 tuyến hẻm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp công suất một nhà máy và khởi công xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải khác. So với kế hoạch, đến nay, TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành gần 60% tuyến đường ngập do mưa, khoảng 55% tuyến ngập do triều và xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt hơn 28%.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hồ Chí Minh, cho biết kết quả chống ngập của thành phố đáng ghi nhận nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. "Đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án đã hoàn thành khi đi vào hoạt động vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.
Cụ thể, như công trình thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Hiện bên trong sân bay có hơn 10 đơn vị khai thác dịch vụ, mỗi đơn vị tự làm hệ thống thoát nước riêng mà chưa đấu nối với nhau. Cao độ giữa bên trong, bên ngoài sân bay chưa đồng nhất, có sự chênh lệch dẫn đến vẫn ngập nặng khi mưa lớn. Hoặc như hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) có vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, mặc dù đã đi vào hoạt động, nhưng công trình này vẫn không phát huy hiệu quả do hệ thống kênh rạch xung quanh chưa được đồng bộ nên tuyến đường này vẫn còn nhiều điểm ngập khi trời mưa", ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh, cho biết công tác chống ngập của TP.Hồ Chí Minh chưa hiệu quả còn do tình trạng người dân lấn chiếm kênh rạch thoát nước khiến hệ thống kênh rạch không phát huy tác dụng. "Sở dĩ người dân ngang nhiên lấn chiếm kênh rạch còn do cơ quan quản lý cho phép người dân lấn chiếm, lấp kênh rạch. Có tình trạng người dân lấn chiếm kênh rạch thì phải chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai để khắc phục. Khi nói xử lý nghiêm cần xử lý nghiêm ai lấn chiếm và xử lý nghiêm người “làm lơ” cho dân lấn chiếm. Giải quyết vấn đề này thì mới giải quyết dứt điểm vấn đề ngập của thành phố. Do đó, khi HĐND giám sát cần chỉ ra được trách nhiệm của địa phương, cơ quan hay ai liên quan... khiến cho công tác chống ngập tại địa bàn không hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Giảm xả rác, hạn chế lấn chiếm
Chia sẻ về nguyên nhân khiến các dự án chống ngập dù hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “TP.Hồ Chí Minh không còn ngập nặng như 5 - 7 năm trước, nghĩa là thành phố đã bớt ngập. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành nhưng đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn mới rút hết”.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để đi vào sử dụng. |
Theo ông Võ Văn Hoan, bài toán chống ngập tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay vẫn khá nan giải, bởi nguyên nhân khách quan hiện nay là do triều cường, mưa, sạt lở, sụt lún và nguyên nhân chủ quan là quản lý nhà nước chưa tốt, nhận thức của dân cư chưa cao. "Gần đây, tần suất và vũ lượng mưa ở mức cao, triều cường liên tục vượt đỉnh, sụt lún diễn ra mạnh. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích đất để thoát nước biến thành đất đô thị. Những yếu tố trên trở thành tổ hợp tự nhiên tác động đồng thời khiến công tác chống ngập nước của thành phố gặp khó", ông Võ Văn Hoan cho biết.
Để giải quyết tình trạng ngập nước, theo ông Võ Văn Hoan, sắp tới thành phố sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp để chống ngập, như rà soát lại quy hoạch (vì quy hoạch hiện nay khá lạc hậu, chưa gắn với quy hoạch thủy lợi) và đánh giá hiện trạng các sông, kênh rạch để xem mức độ sụt lún, sạt lở… TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ ưu tiên dùng vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng, các dự án cấp bách và cải tạo lại hệ thống thoát nước. Đối với nguồn vốn xã hội hóa, TP.Hồ Chí Minh ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hồ điều tiết, kênh trục...
Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, cho biết tình trạng ngập nước liên quan mật thiết đến vai trò và ý thức của người dân. Do đó, để chống ngập nước hiệu quả, cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh rạch; đồng thời tuyên truyền vận động người dân giảm, tiến tới không lấn chiếm hành lang kênh rạch để hệ thống thoát nước tự nhiên có điều kiện phát huy hiệu quả tốt nhất.
Theo Báo Tin tức