Bức xúc trước thực tế TP.HCM chưa có thương hiệu văn hóa đặc trưng để người dân và du khách nhắc nhớ trong khi các địa phương khác đã làm tốt điều này, lãnh đạo TP.HCM gấp rút chỉ đạo cho các ngành chức năng của TP bằng mọi cách sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Mong muốn của lãnh đạo TP là ít nhất mỗi năm, TP.HCM có được một đến hai sự kiện văn hóa diễn ra đủ sức làm nên thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP.HCM. Không thiếu tiền, không thiếu nhân tài nhưng lâu nay TP vẫn chưa làm được điều đó.
Bỏ phí nguồn nhân lực
TP.HCM tập trung hàng ngàn nghệ sĩ tài năng thuộc đủ các lĩnh vực nghệ thuật và đội ngũ chuyên viên kỹ thuật cao trong lĩnh vực biểu diễn mà các địa phương khác trong cả nước mơ ước. Chưa kể, đây là nơi có các đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp hàng đầu, đủ phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất, đủ sức phục vụ cho những sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm quốc gia và quốc tế.
Thế nhưng, lâu nay, nguồn nhân, vật lực này chưa được sử dụng đến nhiều trong sự kiện văn hóa nghệ thuật của TP.HCM. Phần lớn thời gian trong năm, đội ngũ tinh hoa này đi làm thuê cho các địa phương khác. Chỉ tính riêng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, anh đã có hàng chục sự kiện văn hóa, nghệ thuật được mời dàn dựng ở các địa phương. Trong đó ít nhất là 3 chương trình làm nên thương hiệu văn hóa đặc trưng của các địa phương khác: "Ionah show" ("Ionah" là "Hà Nội" viết ngược), biểu diễn hằng tuần tại Nhà hát Star Galaxy - 87 Láng Hạ, là bức tranh Hà Nội thời kỳ mới, vừa hiện đại nhưng vẫn mang những vẻ đẹp truyền thống; show nghệ thuật "Vũ điệu trên mây" diễn dài hạn tại Sun World Fansipan Legend (Lào Cai) rất ấn tượng đối với du khách khi đến đây; "Vũ hội ánh dương" - chương trình biểu diễn nghệ thuật mỗi ngày, kéo dài 4 tháng trong năm tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng).
Đạo diễn Đinh Anh Dũng cũng dàn dựng nhiều sự kiện văn hóa lớn ngoài TP.HCM: Lễ hội trà Thái Nguyên, Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng. Đạo diễn Lê Thụy, từ lúc nghỉ hưu, rời Đài Truyền hình TP.HCM, cũng trở thành một trong tổng đạo diễn của rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật của các địa phương, bộ, ngành…
Cảnh trong vở sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, do đạo diễn Hoàng Nhật Nam (TP.HCM) dàn dựng. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Vở diễn sân khấu thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (The Quintessence of Tonkin) ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội, liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế (giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương năm 2018), được vinh danh là "Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019" tại lễ trao giải Best Hotels & Resorts Awards 2019, diễn ra vào tối 17-7 ở Hàn Quốc và được kênh truyền hình CNN bình chọn là "Vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội", lại được dàn dựng bởi đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến từ TP. HCM.
Ngay vở sân khấu thực cảnh "Ký ức Hội An" một thương hiệu văn hóa của tỉnh Quảng Nam, dù đạo diễn dàn dựng là người Trung Quốc nhưng đội ngũ nghệ sĩ trình diễn trụ cột được tuyển chọn từ các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp ở TP.HCM…
Dàn nghệ sĩ múa trụ cột của vở thực cảnh “Ký ức Hội An” được tuyển chọn từ TP.HCM (Ảnh do chương trình cung cấp)
Chỉ ra như vậy để thấy "của nhà" sẵn có, người khác biết mượn dùng, còn người nhà lại ngồi nhìn, như chẳng hề quý trọng.
Muốn hái quả ngọt, phải biết trồng cây
Nói đến lễ hội Carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế…, gần như du khách các nơi, trong đó có số đông người dân TP.HCM, nghe và biết đến; nhưng kể ra vài lễ hội tiêu biểu của TP.HCM trong danh mục của Ban Tổ chức Lễ TP nêu, như Lễ hội TP.HCM chào đón năm mới, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Liên hoan Nghệ thuật dân gian, Liên hoan Múa rối Việt Nam, Liên hoan Ảo thuật đường phố, Lễ hội Ánh sáng, Ngày hội Văn hóa đọc… thì chưa chắc nhiều người dân TP và du khách đến TP này nghe, biết đến.
Tất nhiên, xây nên thương hiệu văn hóa không phải chỉ trong ngày một, ngày hai nhưng ít ra sự kiện văn hóa ấy phải tạo được ấn tượng với công chúng ngay trong lần ra mắt đầu tiên. Dường như, các lễ hội của TP.HCM chưa làm được điều đó. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hiệu quả nhưng hai nguyên nhân cơ bản để một sự kiện chưa tạo nên ấn tượng với công chúng, theo các nhà chuyên môn, là chất lượng chuyên môn, nghệ thuật thể hiện trong đó chưa tạo sức hút và hiệu quả truyền thông, quảng bá yếu.
Hình ảnh trong chương trình nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” của đạo diễn Phạm Hoàng Nam (Ảnh do chương trình cung cấp)
Trong mắt giới chuyên môn, tiềm năng của TP.HCM rất lớn để có thể khai thác, tạo nên những thương hiệu văn hóa đặc trưng cho mình. Vấn đề còn lại là phải biết cách làm. Ý tưởng không thiếu, nhân tài dư thừa, vật lực dồi dào, đối tác công - tư luôn trong tư thế sẵn sàng nhưng TP.HCM đang cần người chỉ huy có tâm huyết, có tầm nhìn, tư duy năng động sáng tạo để khai thác hiệu quả tiềm năng đang có của TP trong lĩnh vực này.
Chính quyền TP.HCM thực tâm muốn xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng cho TP như nhiều địa phương khác đang làm cần có chính sách đầu tư, cơ chế thích hợp. Muốn có quả ngọt thì phải trồng cây!
TP.HCM - nơi có đội ngũ nghệ sĩ lớn nhất nước Theo Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, hiện nay hệ thống tổ chức này có 9 hội thành viên: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ múa và Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP với trên 5.500 hội viên. Chưa kể số nghệ sĩ nằm ngoài các hội nhưng vẫn đang hoạt động văn hóa nghệ thuật tích cực. Dù chưa có con số thống kê chính xác, đầy đủ nhưng theo giới chuyên môn ước tính, số nghệ sĩ không là hội viên các hội chuyên ngành kể trên còn lớn hơn. |