Hoa hậu Thế giới Việt Nam, cuộc thi mà người đẹp Lương Thuỳ Linh vừa đăng quang quang, đã gây nên những luồng tranh cãi về tên gọi cuộc thi.
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, báo Công an nhân dân, cũng đồng thời là một facebooker nổi tiếng, cho rằng "Hoa hậu Thế giới Việt Nam" là một cụm từ vô nghĩa.
"Có những cụm từ để tiếng Anh thì có ý nghĩa, nhưng Việt hoá thì lại vô nghĩa. Tôi ngạc nhiên khi một cụm từ vô nghĩa như vậy vẫn được Bộ VH-TT-DL duyệt khi cấp phép cho cuộc thi. Nói lại chuyện "mở lon Coca", Bộ VH-TT-DL đã xử phạt dựa trên phát triển ý nghĩa của một cụm từ, trong khi "Hoa hậu Thế giới Việt Nam" vô nghĩa, rối rắm thì lại được cấp phép"- nhà báo Ngô Nguyệt Hữu nêu quan điểm.
Nhà báo này cũng cho rằng chúng ta phản ứng "teen code" (ngôn ngữ viết riêng của giới trẻ, chủ yếu là dùng những từ viết tắt, chữ cái thay thế) của giới trẻ, nhưng lại mặc nhiên thừa nhận một cụm từ kiểu "Hoa hậu Thế giới Việt Nam" là đang tự mâu thuẫn với chính mình.
Lương Thuỳ Linh đăng quang Hoa hậu cuộc thi "Hoa hậu thế giới Việt Nam"
Trong khi đó, nhà báo Ngô Bá Lục, cũng là một facebooker nổi tiếng khác, lại cho rằng Miss World Vietnam nằm trong hệ thống của cuộc thi Miss World (Hoa hậu Thế giới) trên toàn thế giới. Mỗi quốc gia đều có một đơn vị nắm bản quyền và họ hoàn toàn có quyền được tổ chức cuộc thi cấp quốc gia tại quốc gia của mình theo format của Miss World để chọn ra thí sinh xuất sắc nhất tham gia Miss World hàng năm. Rất nhiều quốc gia đã tổ chức các cuộc thi Miss World tại đất nước của họ và lấy tên Miss World gắn với tên quốc gia, ví dụ Miss World Thailand (Hoa hậu Thế giới Thái Lan), Miss World Phillipines (Hoa hậu Thế giới Philippines), Miss World India (Hoa hậu Thế giới Ấn Độ)...
"Hoa Hậu thế giới Việt Nam không khác gì tên Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam mà Thuỳ Lâm, Phạm Hương, H' Hen Niê từng đăng quang. Vì Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam cũng chính là tên tiếng Việt của Miss Universe Vietnam - là cuộc thi cấp quốc gia (của Việt Nam) nằm trong hệ thống cuộc thi Miss Universe cấp thế giới" - nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.
Dưới góc độ chuyên môn, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng cụm từ Hoa hậu thế giới Việt Nam (Miss World Vietnam) trái với logic kết hợp ngôn ngữ thông thường.
Theo phân tích của PGS Phạm Văn Tình, tổ hợp "Miss World Vietnam" có cấu trúc một danh ngữ (đoản ngữ danh từ). Thông thường, đoản ngữ này sẽ có một danh từ làm trung tâm. Thành phần đứng sau (hoặc trước) có chức năng mở rộng, giữ vai trò định ngữ. Theo thứ tự tiếng Anh của danh ngữ này, các thành phần mở rộng đứng trước danh từ (Còn dịch sang tiếng Việt "Hoa hậu Thế giới Việt Nam" thì các thành phần này đứng sau).
Trong những trường hợp mở rộng như vậy, mỗi thành phần sẽ có một nội dung ngữ nghĩa riêng, không trùng nhau. Ở đây, có tới 2 thành tố chỉ phạm vi địa lý (Việt Nam, thế giới). Đã chỉ đích danh "Việt Nam" thì sẽ không có một địa danh nào khác (như "Đông Nam Á", "Châu Á", "Thế giới" (hoặc "quốc tế") kèm theo nữa (vì phạm luật đồng nhất). "World" đã bao hàm tất cả thế giới nên nếu ta thêm bất cứ định ngữ nào chỉ phạm vi hẹp hơn đều không chấp nhận được. Vì vậy, tổ hợp "Miss World Vietnam" không chỉ phi logic mà còn vô nghĩa.
Ông Tình cũng nhấn mạnh, cuộc thi người đẹp cho người Việt, trên đất Việt Nam thì nên lấy tiếng Việt làm chuẩn. Không lý do gì để đưa bất cứ thứ tiếng nào thay thế, dù tiếng Anh đang rất được ưa chuộng.
Theo NLĐ