Hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch!

Thứ ba, 06/08/2019, 15:08
Để hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch thành thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP.HCM, cần sự đầu tư đồng bộ, đội ngũ làm nghề tâm huyết được quan tâm hơn

Như đã phân tích trong bài "TP.HCM thừa sức xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng", chúng ta có quá nhiều tiềm năng để xây nên nhiều thương hiệu văn hóa đặc trưng cho TP. HCM, một trong số đó là sân khấu nhạc kịch mang tầm khu vực.

Cơ hội đi đầu

TP.HCM là địa phương đi đầu trong xây dựng sân khấu nhạc kịch. Dấu ấn ban đầu được tạo nên bởi nhóm Buffalo qua các vở: "Chicago", "Tuyết đỏ", "Tấm Cám", "Thủy Tinh và đứa con thứ 101"... Năm 2016, vở nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương" được Trần Nguyễn Thiên Hương viết kịch bản, đồng thời là tổng đạo diễn; đạo diễn Nguyễn Công Phương Nam đảm nhiệm phần âm nhạc; thiết kế sân khấu là đạo diễn người Pháp Sylvain Merille, biên đạo múa Hữu Trị phụ trách phần diễn xuất đã trình diễn tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) chứng minh thêm nỗi khát khao hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch tại TP.HCM. Và khi vở nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" của Sân khấu IDECAF, đạo diễn Thành Lộc dàn dựng, ra mắt khán giả, gây tiếng vang trong giới, thu hút đông đảo khán giả, nhạc kịch càng khẳng định vị thế của mình trong đời sống sân khấu hôm nay.

Một đội ngũ diễn viên biểu diễn nhạc kịch (khả năng ca và diễn) đã được hình thành. Đội ngũ này đang tiếp tục được bổ sung khi Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM mở lớp đào tạo khóa diễn viên tài năng, đảm đương trình diễn những tác phẩm nhạc kịch mới.

Hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch! - Ảnh 1.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Thủy Tinh và đứa con thứ 101” của nhóm Buffalo (đạo diễn: Nguyễn Khắc Duy)

Nghệ sĩ Ngọc Trinh, từng dàn dựng thành công vở nhạc kịch "40 ngày yêu" (đoạt Giải Mai Vàng Vở diễn được yêu thích nhất trong năm) khẳng định rằng: "Nhạc kịch đang thu hút người xem bởi nó vừa kết hợp sự lãng mạn bay bổng nhưng mang hơi thở hiện đại của cuộc sống. TP.HCM rất cần có sân khấu nhạc kịch, thể loại sân khấu đang được xem là xu hướng trên thế giới".

Nghệ sĩ Hồng Vân, người đang dàn dựng vở nhạc kịch "Nàng Kiều" cho dự án hợp tác giữa Viện Goethe và Nhà hát Tuổi Trẻ trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, cho biết: "Nhạc kịch sẽ là hướng chủ đạo để giới thiệu đến công chúng hôm nay và du khách nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng ta không dám nghĩ sân khấu TP.HCM sẽ nhanh chóng trở thành Broadway - một địa danh ở New York (Mỹ), nơi quy tụ 40 nhà hát lớn trình diễn thể loại nhạc kịch xuất phát từ nhạc kịch cổ điển opera. Nhưng chúng ta có thể cùng xây dựng một sân khấu nhạc kịch Việt trở thành thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP".

Hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch! - Ảnh 2.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Tấm Cám" (ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Muốn tạo thương hiệu, phải xây nhà hát

Nghệ sĩ Hoàng Điệp, một trong những nghệ sĩ góp phần làm nên thành công của vở nhạc kịch thuần Việt "Chuyện tình nàng Giáng Hương", nói: "TP.HCM đã không nắm bắt kịp thời cơ hội để phát triển nhạc kịch. Một thành phố trẻ, số dân đông vào loại nhất nhì cả nước lại không có nhà hát đúng chuẩn hoặc một dàn nhạc giao hưởng có nơi hoạt động thường xuyên. Chúng ta cần hiểu rằng cái quan trọng của loại hình âm nhạc cao cấp này là yếu tố thể hiện. Nó khẳng định trình độ văn hóa, bộ mặt âm nhạc của một thành phố, một quốc gia".

Hầu hết nỗi buồn của những người làm nhạc kịch hiện nay là đều phải đi thuê rạp, thuê điểm diễn mà quanh quẩn chỉ là các rạp hát, hội trường chưa đủ chuẩn để có thể thực hiện tác phẩm đỉnh cao.

Nghệ sĩ Ngọc Trinh tâm sự: "Diễn viên dù có diễn giỏi, hát hay, nhảy múa đẹp đến mấy thì cũng cần phải có được sự hỗ trợ từ những yếu tố kỹ thuật: âm thanh, ánh sáng, cảnh trí... Chúng ta chưa có nhà hát đúng nghĩa dành cho sân khấu nhạc kịch nên đạo diễn cứ loay hoay xử lý kiểu tạm bợ. Đó là lý do vì sao trong một vài vở nhạc kịch ở ta có những đoạn diễn viên có thể hát live (sống) nhưng vẫn phải thu tiếng để hát nhép. Vì nếu để diễn viên hát live, âm thanh không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đêm diễn".

Diễn viên Vũ Hoàng Quân (nhóm Buffalo) khẳng định: "Nếu có được nhà hát đúng chuẩn, trình diễn theo lịch ổn định, tôi tin chắc đời sống sàn diễn của thể loại nhạc kịch tại TP.HCM sẽ nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu".

Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy tâm sự anh đã từng sang Thái Lan học nhạc kịch, nhận biết hiện nay rất nhiều khán giả Việt Nam mỗi tuần đến Thái Lan để xem nhạc kịch nhưng chưa có chiều ngược lại. "Nhiều bạn bè các nước hỏi tôi về nhạc kịch của TP.HCM, tôi có giới thiệu với họ những tác phẩm của chúng tôi nhưng do không có điểm diễn cố định, nên khó có nguồn khán giả ổn định. Chính vì thế khó nuôi sống được đội ngũ làm sân khấu nhạc kịch. Họ chia buồn với chúng tôi vì điều đó" - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho biết. Theo đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, TP.HCM có thể phát triển sân khấu nhạc kịch thành thương hiệu riêng nếu được đầu tư có chiến lược.

Hiện thực hóa giấc mơ sân khấu nhạc kịch! - Ảnh 4.

Cảnh trong vở nhạc kịch " Tiên Nga" (ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Mang lại sức sống mới cho du lịch và văn hóa

Nói về xây dựng thương hiệu nhạc kịch Việt tại TP.HCM, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Biểu diễn nghệ thuật Thái Dương (Sân khấu Kịch IDECAF) - nơi sản xuất vở nhạc kịch "Tiên Nga" và đang khao khát dựng nhạc kịch "Song lang" từ tác phẩm điện ảnh Việt cùng tên, nhấn mạnh: "Chúng ta có nguồn lực rất lớn, không thể nói tầm cỡ như quốc tế nhưng trong những tác phẩm thuần Việt, chúng ta tự hào có thể đạt được đến đích vinh quang bằng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo. Cái chúng ta thiếu là sự hoạch định chiến lược có tâm, có tầm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa trong xây dựng lộ trình mang tính khả thi".

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, du khách đến TP.HCM ngoài một số sô diễn như: "À ố show", "Múa rối nước Rồng Vàng"..., không có sô diễn nào khác. Nếu có sân khấu nhạc kịch thuần Việt, biểu diễn cố định sẽ mang lại sức sống mới cho hoạt động du lịch gắn với phát triển văn hóa nghệ thuật".


Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích