Đó là quang cảnh của sân khấu Hoàng Thái Thanh đêm diễn ra mắt khán giả vở "Bông hồng cài áo" (tác giả: Kim Cương - Lê Khâm, đạo diễn: Ái Như). Đã 50 năm trôi qua, đóa hoa tượng trưng cho tình mẹ ấy dường như vẫn thắm trong lòng khán giả mê sân khấu.
Nửa thế kỷ là một khoảng thời gian đủ dài để cho một tác phẩm nghệ thuật trở nên cũ. Nhưng đối với nhiều thế hệ khán giả, "Bông hồng cài áo" đã trở thành biểu tượng của đề tài tình mẫu tử trên sân khấu. Để phục dựng một biểu tượng thì chưa bao giờ là dễ, khi những sáng tạo thiếu hợp lý có thể phá hỏng cả kiệt tác, mà khán giả chắc cũng chẳng muốn xem một phiên bản rập khuôn.
Cha dượng (Thái Quốc) và dì Tư (Ái Như)
Trước ngày công diễn, không nhiều người có thể hình dung vở kịch sẽ có hình dạng như thế nào. Nhưng bằng niềm say mê, bằng tinh thần làm nghệ thuật nghiêm túc, đạo diễn Ái Như đã chứng minh chị có thể tìm ra con đường trong ranh giới mong manh giữa cũ và mới. Bám sát kịch bản gốc về tình huống, lời thoại, "Bông hồng cài áo" trên sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn có những nét mới trong cách kể chuyện. Tiết tấu được đẩy nhanh, xung đột có phần mạnh mẽ hơn và nhiều cao trào cảm xúc trong phương châm trung thành với chất mộc mạc, chân thực đã gắn liền với kịch Kim Cương.
Bên cạnh đó, Ái Như không quên sáng tạo thêm những chi tiết để làm rõ tính cách, số phận nhân vật, đồng thời lý giải rõ hơn những khúc mắc ở nửa sau vở kịch. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc sau những lời vu oan của cô Út, mặc cảm tội lỗi của anh em Hiếu, Thảo cùng nguyên nhân họ tìm đến mẹ của cô giáo Nga như một chỗ dựa tinh thần… góp phần tạo nên đất diễn cho các nghệ sĩ trẻ.
Một điều đáng khen là ê-kíp diễn viên đã không bị cái bóng của những tên tuổi đi trước ảnh hưởng. Người xem không nhìn thấy bóng dáng của Kim Cương trong dì Tư của Ái Như. Chị thể hiện nhân vật bằng thế mạnh tinh tế trong diễn xuất, đúng tâm lý của người mẹ bị con mình bỏ rơi, cũng giận, cũng hờn nhưng quay đi liền không kìm được tình thương, rồi lại chăm, lại lo cho con từng miếng ăn, manh áo. Vai người cha dượng do Thái Quốc đảm nhiệm cũng có nhiều nét mới, thể hiện đúng tâm trạng của người chồng thương vợ, thương con nhưng bất lực vì bệnh tật khiến người xem phải ngậm ngùi…
Những tràng pháo tay tán thưởng, những khóe mắt đỏ hoe ngân ngấn nước mắt của khán giả là minh chứng tốt nhất cho thành công của vở diễn. Có lẽ bên cạnh hình ảnh của thế hệ NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, NSND Ngọc Giàu, Thương Tín, Nguyên Hạnh, Ngọc Ðiệp..., người xem sẽ còn nhớ đến một "Bông hồng cài áo" khác với những Thành Hội, Ái Như, Bích Ngọc, Hoàng Thái Quốc, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Võ Tấn Phát, Phương Trâm, Nguyễn Long, Tấn Đạt…
Theo NLĐ