"Giật cô hồn" Rằm tháng 7: Phong tục hay trò vui của những kẻ u mê, hám lợi?

Thứ năm, 15/08/2019, 17:16
Việc cúng cô hồn Rằm tháng 7 không chỉ còn là nét văn hóa truyền thống mà trở thành cơ hội cho những kẻ u mê, hám lợi.

Rằm tháng 7 (15/7 âm lịch) là ngày rằm lớn nhất trong năm theo phong tục truyền thống của người Việt và thường được gọi là ngày “Xá tội vong nhân” hoặc "Lễ Vu Lan".

Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, âm phủ sẽ mở cửa ngục để các linh hồn trở về với gia đình. Nhưng không phải linh hồn nào cũng có nơi để trở về, người ta gọi những vong linh lang thang, không nơi nương tựa đó là cô hồn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc làm lễ cúng để mời vong linh người thân trở về nhà, mâm cơm ngày Rằm tháng 7 cũng là để các gia đình Việt cầu siêu, độ vong cho những cô hồn oan trái, không nơi nương tựa.

Cảnh tượng bát nháo dễ bắt gặp mỗi dịp Rằm tháng 7.

Không chỉ vậy, ngày Rằm tháng 7 cũng là cơ hội để những người con có cơ hội báo hiếu với đấng sinh thành. Ngày này, dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.

Ngày Rằm tháng 7 là cơ hội để mỗi người thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp, tính nhân văn trong nét tính cách đặc trưng của người Việt.

Họ sẵn sàng chen chúc, xô ngã và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để tấn công nhau, để giành được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Thế nhưng, thực tế nhiều năm gần đây, nhiều nơi lại đang biến ngày lễ ý nghĩa này trở thành một thứ “nghề” ngắn hạn. Cứ đến ngày này, đám đông lại vội vã chuẩn bị dụng cụ để đi cướp đồ cúng.

Nhiều người cho rằng đây chỉ là phong tục, không phải hành vi xấu như trộm cắp hay cướp giật. Thế nhưng không thể phủ nhận, hình ảnh "giật cô hồn" đang trở nên xấu xí và bị biến tướng nghiêm trọng.

Trước kia, việc “giật cô hồn” thường là trò chơi của những đứa trẻ. Người ta quan niệm rằng, các cô hồn rất yêu trẻ con, chính vì vậy khi chứng kiến đám trẻ hào hứng, vui vẻ, cô hồn sẽ không phản ứng. Vậy là đám trẻ chỉ chờ gia chủ cúng xong, khi nhang tàn, chúng sẽ có dịp để nhào tới giành giật đồ ăn.

Việc mâm đồ cúng bị trẻ con tranh giành sạch sẽ được coi như điều may mắn cho gia chủ vì họ cho rằng đã làm hài lòng các cô hồn. Nhiều người còn quan niệm, trẻ con ăn đồ cúng sẽ được mạnh khỏe, không bị bệnh.

Thế nhưng, theo thời gian, khi đời sống xã hội ngày càng khấm khá, người ta bắt đầu chú trọng hơn vào những vật phẩm xuất hiện trên mâm cúng cô hồn.

Đám đông chuẩn bị sẵn những vật dụng để cướp được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Không còn đơn giản chỉ là những bánh trái đơn giản, ngày nay không khó để bắt gặp những mâm cúng tươm tất hơn, xuất hiện thêm con gà cúng, lợn quay, thậm chí là không thể thiếu những tờ tiền với mệnh giá cao.

Đối với họ, việc cúng cô hồn không còn đơn giản chỉ là hành động mang tính nhân văn nữa mà xuất phát từ chính tâm lý “hám lợi” của bản thân.

Theo quan điểm của một bộ phận nào đó, càng nhiều “cô hồn” giật đồ cúng thì gia đình đó càng trở nên thịnh vượng, giàu có. Thế nên thay vì ngăn cản, họ càng cổ vũ, khuyến khích cho những hành vi trành giành, hành hung, chửi bới của đám đông hỗn loạn.

Đám đông trành giành ấy giờ đây không còn là những đứa trẻ nữa, mà thay vào đó là đủ mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính. Chẳng chờ gia chủ cúng bái xong xuôi, đám đông xung quanh tập trung hai bên chực chờ lao vào vơ vét mâm cúng Rằm tháng 7.

Họ sẵn sàng chen chúc, xô ngã và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để tấn công nhau, để giành được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Trong khi đám đông tranh giành hỗn loạn, thậm chí là chửi bới, sỉ vả nhau thì chủ nhà vẫn bình tĩnh cúng vái, coi như không nhìn thấy những người xung quanh đang vây hãm. Với họ, những người xung quanh cũng chỉ là cô hồn, chỉ khác là những “cô hồn” này đang còn sống.

Đám đông “cô hồn sống” cứ thế lao vào đánh nhau để giành giật đồ ăn và những tờ tiền giá trị. Tình trạng này khiến cho vấn đề an ninh trật tự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc cho chính quyền địa phương nhiều nơi ra lệnh cấm tổ chức hoạt động cúng cô hồn để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, nhưng cảnh tượng bát nháo, hỗn độn này vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục qua các năm. Thậm chí, khi không lấy được những thứ mình cần, một số người còn đập nát đồ ăn để người khác cũng không thể lấy được.

Cúng cô hồn từ một nét văn hóa, tục lệ xuất phát từ tính nhân văn qua hàng nghìn năm, đến nay do một bộ phận vì lợi ích và tâm lý cá nhân của bản thân mà làm biến tướng nét tâm lý này.

Phải hiểu rằng, chẳng ai sống được nhờ vào giành giật đồ cúng, có chăng, đó chỉ là những quan niệm sai lầm khiến cho nhiều người dần đánh mất đi lý trí và suy nghĩ.

Theo VTC

Các tin cũ hơn