Chủ tịch TP.Hà Nội: 'Một số người khiếu kiện để trục lợi ở Miếu Môn'

Thứ tư, 28/08/2019, 07:45
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng một số người lợi dụng việc khiếu kiện để lấn chiếm đất và mong được bồi thường khi dự án của quân đội triển khai.

Chiều 27/8, tại trụ sở UBND Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cùng Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã thông tin về một số nội dung trong kết luận của Thanh tra thành phố tháng 7/2017 về quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi thông tin chiều 27/8. Ảnh: Võ Hải.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi thông tin chiều 27/8. Ảnh: Võ Hải.

Ông Chung cho biết trong số người khiếu kiện để trục lợi có ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, từng là Trưởng công an, Chủ tịch và Bí thư xã Đồng Tâm. Ông Kình đã "huy động tiền của một số người ở xã để đi khiếu kiện đất đai".

Hơn hai năm kể từ khi có kết luận của thanh tra thành phố, các đơn vị liên quan đã công khai thông tin, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân Đồng Tâm. Với một số ý kiến cá nhân khác, lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ trao đổi để đạt sự đồng thuận. Tuy nhiên, ông Chung cho hay cơ quan công an vẫn đang thu thập các tài liệu, cần thiết sau này "sẽ xử lý các đối tượng ngoan cố".

Liên quan đến việc ông Kình chưa đồng tình với kết luận thanh tra của TP.Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, ông Kình không nằm trong số 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng tại Đồng Tâm nên không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra, vì không phải đối tượng cuộc thanh tra. 14 hộ dân đang sinh sống trên đất sân bay Miếu Môn đồng thuận với phương án bồi thường mới của thành phố và sẵn sàng di dời trả lại đất.

Sắp tới Bộ Quốc phòng xây dựng tường rào để bảo vệ công trình quốc phòng ở sân bay Miếu Môn. Để đạt sự đồng thuận của người dân Đồng Tâm và một số cá nhân còn ý kiến khác, Thủ tướng đã chỉ đạo đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động. Thanh tra Chính phủ dự kiến đối thoại với người dân Đồng Tâm, ông Thanh nói, nhưng chưa cho biết khi nào diễn ra đối thoại.

Bản đồ đất sân bay Miếu Môn lập năm 1992 được công bố tại cuộc họp chiều 27/8. Ảnh: Võ Hải.

Bản đồ đất sân bay Miếu Môn lập năm 1992 được công bố tại cuộc họp chiều 27/8. Ảnh: Võ Hải.

Tại buổi thông tin, UBND TP.Hà Nội đã cho chiếu bản đồ đất khu vực sân bay Miếu Môn được lập năm 1992, có chữ ký của chủ tịch UBND các xã giáp ranh, trong đó có Đồng Tâm. Bản đồ thể hiện toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng.

Trước đó cuối tháng 5/2019, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, khi đề cập đến vụ sân bay Miếu Môn, đại biểu Dương Trung Quốc cho hay, "từ thời thượng cổ khi nói về đất đai bao giờ cũng đi kèm với bản đồ", trong khi bản đồ liên quan đến vụ này đều dựng lại từ giai đoạn 2013-2014.

Ông Quốc cũng cho rằng, Thanh tra chính phủ đã khẳng định kết quả thanh tra của TP.Hà Nội trước đó là đúng, những người tố giác không chính xác; song những người dân Đồng Tâm có kiến nghị đã "không được lấy ý kiến". Nhà sử học đề nghị Chính phủ nhìn nhận sự việc "một cách hết sức khách quan".

Ngày 15/4/2017, khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm, lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị giữ tại nhà văn hóa thôn.

7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại, cam kết làm rõ nguồn gốc đất khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp - mấu chốt cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của nhiều người dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người.

Ngày 25/7/2017, Thanh tra TP.Hà Nội thông báo kết luận "toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng". Không đồng tình, ông Lê Đình Kình (đại diện cho một số người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm) gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị giải quyết và xem xét tính chính xác, hợp pháp của kết luận mà Hà Nội công bố.

Cuối tháng 4/2019, ông Nguyễn Mạnh Hà - Tổ trưởng Tổ rà soát, Thanh tra Chính phủ khẳng định "kết luận như trên của Thanh tra Hà Nội là chính xác".

Theo VNE

Các tin cũ hơn