Đại gia bất động sản sở hữu 38 tỷ USD ở Hong Kong lao đao vì biểu tình

Thứ ba, 27/08/2019, 13:31
Gia tộc Kwok - giàu nhất Hong Kong với khối tài sản 38 tỷ USD - đối mặt với nhiều thiệt hại nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài tại thành phố nhiều tháng qua.

Lý Gia Thành là tỷ phú nổi tiếng nhất Hong Kong. Tuy nhiên, có một gia đình tỷ phú khác - ít được chú ý hơn - đối mặt với rất nhiều nguy cơ lớn khi Hong Kong vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đó là gia tộc Kwok.

Theo Bloomberg, gia đình Kwok sở hữu khối tài sản trị giá 38 tỷ USD, đứng đầu Hong Kong. Nhà Kwok đã phát triển Tập đoàn Sun Hung Kai Properties trở thành đế chế bất động sản lớn nhất thành phố.

Giới quan sát nhận định công ty của gia tộc Kwok là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các cuộc biểu tình tại Hong Kong thời gian qua.

Các cuộc biểu tình ngày càng gay gắt tại Hong Kong. (Ảnh: Bloomberg).

Lửa biểu tình bùng lên ở Hong Kong do dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình cho biết họ rất bức xúc với việc giá nhà "trên trời" tại Hong Kong, chênh lệch giàu nghèo ngày càng phình to và tình trạng các ông trùm bất động sản thao túng chính trị. Đó là lý do người Hong Kong xuống đường trong 12 tuần liên tiếp.

"Đó là một phần lý do khiến người Hong Kong phẫn nộ. Họ chỉ có thể chịu trận với các chính sách đất đai của chính quyền Hong Kong. Sở hữu căn nhà riêng chỉ là ảo vọng đối với người trẻ Hong Kong. Sự tức giận đã âm ỉ từ lâu", Bloomberg dẫn lời bà Alice Poon, cựu trợ lý của gia tộc Kwok, tác giả cuốn Land and the Ruling Class in Hong Kong (Đất đai và tầng lớp thống trị ở Hong Kong).

"Lãnh chúa phong kiến"

Theo Bloomberg, Sun Hung Kai là công ty bất động sản có ảnh hưởng lớn nhất tới hạ tầng Hong Kong, thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới. Sun Hung Kai xây hai tòa nhà chọc trời cao nhất tại Hong Kong và các khách sạn và chung cư lớn nhất thành phố.

Tập đoàn này cũng sở hữu những trung tâm mua sắm đông đúc nhất Hong Kong. Ngoài ra, nhà Kwok còn xây công viên giải trí Noah's Ark với mô hình hoàn chỉnh của con tàu Noah huyền thoại trong Kinh Thánh.

Theo tác giả Land and the Ruling Class in Hong Kong, hệ thống chính trị bảo vệ lợi ích của giới nhà giàu tại Hong Kong đã biến các ông trùm bất động sản trở thành những nhân vật sở hữu cả tiền bạc và quyền lực chính trị lớn, không khác gì lãnh chúa phong kiến.

Bà Poon - người có 20 năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản Hong Kong - nhận định thành phố đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Các đại gia bất động sản với vốn đất đai dồi dào kiểm soát hoàn toàn nguồn cung, đẩy giá đất tăng vọt.

Chính quyền Hong Kong hưởng lợi từ nguồn thu thuế đánh vào bất động sản. Phần lớn số tiền này sau đó được rót vào chuyển vào các quỹ chính phủ. Nhóm quỹ này đổ tiền cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục làm giá đất tăng cao.

Ba người thừa kế nhà Kwok từ trái sang: Raymond, Walter và Thomas. (Ảnh: AP).

Theo thống kê, hiện một nhóm nhỏ công ty bất động sản kiểm soát hơn 1.000 hecta đất nông nghiệp tại Hong Kong, bằng khoảng 1/5 diện tích Manhattan (New York, Mỹ). Và Sun Hung Kai là doanh nghiệp có máu mặt nhất trong nhóm này.

Sun Hung Kai cho biết đã chuyển đổi 836.000 m2 đất nông nghiệp thành đất ở trong 5 năm qua và khoảng 2/3 quỹ đất của công ty đang trong giai đoạn chuyển đổi. Ông Spencer Lu, một giám đốc dự án tại Sun Hung Kai, giải thích quá trình đó đòi hỏi nhiều loại giấy phép khác nhau từ chính quyền Hong Kong.

Sun Hung Kai bán nhà với giá khởi điểm 13.724 USD/m2. Điều đó có nghĩa là một căn hộ 65 m2 của công ty này có giá lên đến 890.000 USD. Đây là con số không tưởng với nhiều người dân thành phố, nơi thu nhập trung bình của hộ gia đình hàng tháng là 3.750 USD.

Lao đao vì biểu tình

Theo Bloomberg, các cuộc biểu tình dẫn tới nhiều thách thức cho Sun Hung Kai. Về lâu dài, mối đe dọa lớn nhất là sự giận dữ leo thang đối với giá đất và mối quan hệ mật thiết giữa các đại gia bất động sản và chính quyền Hong Kong.

Nhưng trước mắt, Sun Hung Kai thiệt hại đáng kể khi các cuộc biểu tình khiến nhu cầu mua căn hộ mới sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại và khách sạn - bao gồm Four Seasons và Ritz Carlton - cũng bị gián đoạn.

New Town Plaza - trung tâm mua sắm do Sun Hung Kai sở hữu với 400 cửa hiệu và nhà hàng - là nơi chứng kiến cuộc đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát hồi tháng trước.

Nhiều người biểu tình chỉ trích Sun Hung Kai vì đã cho phép cảnh sát vào bên trong trung tâm thương mại. Phản ứng lại, công ty tuyên bố không gọi hay yêu cầu lực lượng chức năng đến trung tâm mua sắm New Town Plaza. Mới đây, công ty đã phải hoãn kế hoạch trang trí và mở rộng một trung tâm mua sắm khác.

Cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra tại trung tâm thương mại của Sun Hung Kai. Ảnh: Bloomberg.

Cổ phiếu của Sun Hung Kai đã sụt giảm tới 11% kể từ giữa tháng 6, gấp đôi mức giảm của chỉ số chứng khoán Hang Seng, do doanh số căn hộ và giá phòng khách sạn Hong Kong giảm mạnh. Bank of America dự báo giá nhà đất Hong Kong sẽ giảm 10% vì các cuộc biểu tình.

Gia tộc Kwok cùng nhiều đại gia bất động sản khác đã công khai kêu gọi người dân Hong Kong ngừng biểu tình. Adam Kwok, một giám đốc điều hành của Sun Hung Kai, xuất hiện tại cuộc diễu hành ủng hộ chính phủ Hong Kong hồi đầu tháng 8.

Hiệp hội Nhà phát triển Bất động sản Hong Kong (nơi Adam Kwok là thành viên) kêu gọi người dân Hong Kong "chủ động đối thoại" với chính phủ và tìm cách giải quyết tình hình hiện tại. Lý Gia Thành - tỷ phú giàu nhất Hong Kong - lên tiếng chỉ trích tình trạng bạo lực trên mặt báo.

Những người thừa kế trẻ nhất châu Á

Từ nhiều năm trước, tỷ phú Lý Gia Thành đã mở rộng đầu tư bên ngoài Hong Kong. Trong khi đó, gia tộc Kwok vẫn chủ yếu dựa dẫm vào thị trường bất động sản của thành phố.

Khoảng 90% doanh thu của Sun Hung Kai đến từ Hong Kong, mặc dù thế hệ sau của gia tộc có tham vọng mở rộng kinh doanh ở đại lục. Nhà Kwok đang đầu tư lớn vào việc phát triển một khu dân cư ở Thượng Hải. Đây sẽ là dự án có diện tích lớn nhất của tập đoàn.

Các thành viên gia tộc Kwok thuộc nhóm đại gia giàu nhất châu Á. Họ hưởng lợi hàng tỷ USD nhờ việc chính quyền Hong Kong áp dụng hàng loạt ưu đãi về thuế cho các đại gia bất động sản.

Walter Kwok - con trai đầu của người sáng lập Sun Hung Kai Kwok Tak Seng - đột ngột qua đời do một cơn đau tim hồi tháng 10/2018. Ông không tham gia vào việc điều hành Sun Hung Kai kể từ năm 2008. Tập đoàn sau đó được mẹ của ông, Kwong Siu Hing, và hai em trai, Thomas và Raymond, giám sát.

Hai người con của tỷ phú quá cố Walter Kwok là Lesley và Jonathan xuất hiện trong một sự kiện hồi tháng 5/2019. (Ảnh: Empire Group Holdings).

Tháng 12/2014, Thomas Kwok bị kết án 5 năm tù vì tội hối lộ. Công việc kinh doanh của ông ta, bao gồm các dự án bất động sản, hiện được vợ ông, Ingrid, và con trai Adam, tiếp quản. Hai con trai của Raymond Kwok là Christopher và Edward đảm nhận lĩnh vực bán lẻ.

Geoffrey - con trai của Walter Kwok, hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD. Ở tuổi 33, Geoffrey là thành viên châu Á trẻ nhất trong danh sách tỷ phú USD của Bloomberg Billionaire Index. Geoffrey gia nhập Hội đồng quản trị của Sun Hung Kai vào tháng 12/2018 sau khi học tại Đại học Yale và làm việc cho một ngân hàng đầu tư quốc tế.

Người em Jonathan cũng được thừa kế khối tài sản khoảng 2,5 tỷ USD. Lesley, con gái Walter, không xuất hiện trong bất cứ hồ sơ cổ đông nào của Sun Hung Kai. Cả ba đều là giám đốc của công ty gia đình Empire Group Holding. Lesley xử lý các khoản đầu tư chứng khoán, trong khi Jonathan đảm nhận giao dịch bất động sản.

Cuối tháng 5/2019, hai người con của Walter Kwok cùng xuất hiện trước công chúng tại buổi ký kết thỏa thuận tái phát triển giữa Empire và Tập đoàn khách sạn InterContinental.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích