Khói cháy rừng Amazon biến bầu trời Brazil "từ ngày thành đêm"

Thứ tư, 28/08/2019, 09:30
Ảnh hưởng của các đám cháy rừng Amazon hiện ra rõ rệt ở những thành phố của Brazil, nơi khói dày che phủ bầu trời gần như suốt cả ngày.

Elane Diaz, một y tá của thành phố, nói về các vấn đề hô hấp của cậu con trai 5 tuổi trong khi chờ cuộc hẹn với bác sĩ tại một bệnh viện.

"Những đứa trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng ho rất nhiều", cô Diaz nói với AP. "Chúng gặp vấn đề về hô hấp. Tôi lo ngại vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng".

Tuy nhiên, cô Diaz và một số cư dân khác ở Porto Velho, thủ phủ của bang Rondonia, vẫn đứng về phía Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Họ nói rằng ông ấy đã làm những gì có thể để bảo vệ Amazon và những chỉ trích của quốc tế nhắm vào Tổng thống là không có cơ sở.

Vụ cháy rừng Amazon đã kéo dài hơn 3 tuần mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Hệ quả của nó đã biến bầu trời ở Brazil "từ ngày thành đêm" vào tuần trước. (Ảnh: Twitter/@CauCiardi).

Ông Bolsonaro, người nhậm chức Tổng thống với lời hứa thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất ở Mỹ Latinh, đã tự hỏi liệu việc cung cấp gói viện trợ quốc tế có bao gồm âm mưu khai thác tài nguyên Amazon và làm suy yếu tăng trưởng của Brazil hay không.

Hôm 27/8, ông Bolsonaro nói người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã gọi ông là kẻ nói dối và ông Macron sẽ phải xin lỗi trước khi Brazil xem xét chấp nhận gói viện trợ 22 triệu USD của G7.

"Ông Macron phải rút lại những bình luận đó, sau đó chúng tôi mới có thể nói chuyện", Tổng thống Bolsonaro nói.

Mâu thuẫn sâu sắc giữa Brazil và các nước châu Âu đang cản trở việc dập tắt các đám cháy rừng Amazon và đe dọa hy vọng phối hợp toàn cầu trong việc bảo vệ vùng đất quan trọng với Trái Đất.

Bầu trời São Paulo sập tối giữa ban ngày do khói bị thổi từ các đám cháy rừng cách đó gần 3.000km. (Ảnh: Twitter/@HY_1805).

Cuộc tranh luận cá nhân giữa các lãnh đạo Brazil và Pháp đang chi phối các cuộc thảo luận của hai bên. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện lập trường của Brazil về sự can thiệp của châu Âu về các vấn đề chủ quyền, kinh tế và quyền của người bản địa.

Brazil cho biết họ sẽ đặt ra các điều kiện để chấp nhận bất kỳ khoản viện trợ nào từ nhóm G7.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp hôm 26/8, 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cam kết chi 22 triệu USD để cứu rừng Amazon.

Tuy nhiên, Onyx Lorenzoni, Chánh văn phòng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, nói rằng châu Âu nên sử dụng quỹ cho các vấn đề của chính mình.

Rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon, cung cấp hơn 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất, đang cháy với tốc độ kỷ lục và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Theo Zing

Các tin cũ hơn