Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội, TP.HCM

Thứ tư, 28/08/2019, 11:53
Bộ Chính trị yêu cầu tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước thải tại TP.Hà Nội và TP.HCM.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Kết luận của Bộ Chính trị ban hành ngày 23.8 đánh giá, sau 5 năm thực hiện nghị quyết, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng, nhiều mục tiêu của nghị quyết đề ra đến năm 2020 dự báo không đạt được. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, những yếu kém nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan khi nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập, hệ thống pháp luật, công cụ quản lý còn phân tán, chồng chéo, thực thi kém hiệu quả.

“Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa được lồng ghép, thực hiện gắn với yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường làm gia tăng tác động tiêu cực của thiên tai. Vẫn còn tình trạng thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc, xem xét các yếu tố, tiêu chí về môi trường”, kết luận nêu.

Kiểm soát các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm

Từ đó, Bộ Chính trị đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách để tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết, trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; đồng thời rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe.
Đặc biệt, phải quy định rõ về cơ chế bồi thường, ký quỹ, đặt cọc, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm rủi ro thiên tai, quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.
Người dân tại nhiều địa phương đang phải hít thở bầu không khí bụi bặm hàng ngày

Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu ra một loạt các nhiệm vụ cấp bách yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan phải thực hiện ngay. Cụ thể là khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở TP.HCM; bổ sung các giải pháp dần hình thành hệ thống chống ngập đồng bộ, hiệu quả...

Một nhiệm vụ cấp bách khác là tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Có chính sách hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đồ nhựa có tính năng sử dụng một lần trên toàn quốc. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng tiềm ẩn các chất nguy hại, gây ô nhiễm.
“Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, phấn đấu từ sau năm 2020 chất lượng môi trường được cải thiện năm sau cao hơn năm trước, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước thải tại thành phố Hà Nội, TP.HCM", kết luận nêu.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu “xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các bãi thải xung quanh các thành phố lớn, không để người dân sinh sống tại khu vực lân cận bức xúc, khiếu kiện do ô nhiễm bãi thải gây ra”.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích