Những công trình Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập thời điểm 2017. Ảnh: Telegraph/CSIS/AMTI
Theo thông tin của PGS.TS Ryan Martinson thuộc ĐH Hải chiến Mỹ và Dự án Đại sự ký Biển Đông, vùng biển mà tàu Địa chất hải dương 8 thực hiện thăm dò địa chấn là một vùng rộng lớn, từ điểm gần nhất cách bờ biển Việt Nam chỉ khoảng gần 90 hải lý (tức là cách đảo Phú Quý chỉ khoảng gần 40 hải lý) tới gần khu vực ranh giới phía Tây của quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng điều máy bay ném bom H6, chiến đấu cơ và máy bay tiếp liệu trên không để hỗ trợ nhóm tàu thăm dò tài nguyên trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Gần đây nhất, trong những ngày đầu tháng 9, Trung Quốc đưa tàu cần cẩu Lam Kình, có khả năng nâng hạ các giàn khoan dầu, cùng các tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thậm chí cả lãnh hải Việt Nam. Cho đến nay chưa rõ mục đích của đội tàu này là gì.
Không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam, từ cuối năm 2018, Trung Quốc điều hàng trăm tàu dân quân biển đến bao vây đảo Thị Tứ đang do Philippines chiếm đóng. Gần đây, Trung Quốc còn xâm phạm, đem tàu khảo sát địa vật lý vào khảo sát tại trong vùng biển các nước Malaysia và Philippines.
Việc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia là sự tiếp nối của những hành vi quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm những cam kết trước đó của lãnh đạo Trung Quốc về việc bảo đảm hợp tác “các bên cùng thắng” và cam kết không bá quyền, sử dụng một cách hòa bình các đảo nhân tạo và giữ gìn hòa bình, ổn định, an toàn trên Biển Đông.
Nhiều thủ đoạn kết hợp
Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam và các nước ASEAN khác là để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Với các chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám”, Trung Quốc bắt nạt các nước yếu hơn nhưng duy trì dưới ngưỡng tranh chấp vũ trang, nhằm gây căng thẳng lâu dài, buộc các nước mà Trung Quốc gây hấn phải đầu hàng.
Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc năm 2016 đã đập tan chiến thuật “tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc thực hiện chính sách 4 không: không tham gia vụ kiện, không công nhận thẩm quyền của Tòa, không công nhận phán quyết của Tòa và không thực hiện phán quyết.
Ngoài ra, Trung Quốc thay đổi chiến thuật, gia tăng xâm phạm vùng biển các nước xung quanh bằng cách sử dụng chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám” để gây áp lực, làm suy yếu quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông và cuối cùng là buộc các nước phải thừa nhận vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của nước đó nhưng nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” trái luật của Trung Quốc là vùng tranh chấp.
Cần chú ý rằng Trung Quốc và các nước ASEAN đang đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Theo nhiều nguồn tin, các bên tham gia đàm phán đang ở giai đoạn đọc dự thảo COC do các nước khác đề xuất. Đáng chú ý là trong bản dự thảo Trung Quốc đề xuất có quy định các nước xung quanh Biển Đông chỉ được phép hợp tác với các nước trong khu vực có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để khai thác tài nguyên trong vùng biển của mình. Điều đó cho thấy Trung Quốc muốn loại trừ các nước bên ngoài ra khỏi Biển Đông. Đây là sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế và chủ quyền của các nước trong khu vực.
Có nhiều ý kiến cho rằng bằng các hành động bắt nạt trên thực địa, Trung Quốc đang gây sức ép với Việt Nam và các nước ASEAN khác để bắt các nước thuận theo đề xuất của Trung Quốc. Trung Quốc cũng bằng cách này ép các nước trong khu vực từ bỏ các dự án đang hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác dầu khí trong vùng biển của mình và tạo tiền lệ thuận lợi cho Trung Quốc trong đàm phán COC.
Ngoài ra, Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp của họ đầu tư tại Biển Đông, đặc biệt là tại các đảo nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa và trong phạm vi đường lưỡi bò. Rất có thể Bắc Kinh đang từng bước chuẩn bị thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và hành động xâm phạm vùng biển và bắt nạt đối với các nước trong khu vực là một bước để hiện thực hóa kế hoạch này.
PGS.TS VŨ THANH CA
- ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và KHC
Theo TPO