Dân Manila mất chỗ ở vì người Trung Quốc đổ về phục vụ sòng bạc

Thứ hai, 09/09/2019, 13:26
Ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến mang lại doanh thu khổng lồ cho Philippines nhưng khiến người dân nghèo trả giá vì dòng di dân Trung Quốc đi kèm.

"Chúng tôi chỉ có thể ở đây cho đến tháng 12",Alex, 65 tuổi, một chủ doanh nghiệp nhỏ người Philippines, nói khi nhìn quanh canteen đã gắn bó với cô gần 30 năm. Cô nói rằng chủ nhà không muốn "tụt hậu" trong đợt bùng nổ bất động sản, được thúc đẩy bởi dòng công nhân Trung Quốc đổ về thủ đô của Philippines.

Vì vậy, người chủ sở hữu tòa nhà có kế hoạch tái phát triển nó thành một khối căn hộ với giá thuê cao hơn.

Diane, 29 tuổi, một tổng đài viên, cũng ở hoàn cảnh tương tự. Gia đình cô đối mặt hạn chót để rời khỏi một căn hộ hai tầng nơi họ đã sống 20 năm. Cô cho rằng nó sẽ được cải tạo để cho người Trung Quốc thuê.

Các ki ốt ở thành phố Paranaque phải đối mặt với việc tiền thuê tăng vô lý kể từ khi trung tâm mua sắm cũ có tên Pearl Plaza trở thành văn phòng cờ bạc và tuyển dụng hàng nghìn công nhân Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post).

Theo South China Morning Post, hoàn cảnh của Alex, Diane và gia đình của họ rất quen thuộc với nhiều cư dân của Tambo, thành phố Paranaque.

Kể từ năm ngoái, Tambo đã biến thành một khu phố Hoa sôi động khi ngày càng nhiều công nhân Trung Quốc di cư đến để phục vụ các hoạt động đánh bạc ngoài khơi mọc lên trong hai năm qua, tạo ra cú hích cho nền kinh tế Philippines.

Ở trung tâm Tambo, Pearl Plaza, trung tâm mua sắm cũ, được chuyển thành sòng bạc và sẽ thuê 5.000 công nhân từ Trung Quốc đại lục. Chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu đối với các nhà hàng Trung Quốc. Chúng chiếm lĩnh các không gian thương mại trước đây của người Philippines. Đối với Alex và Diane, sự cạnh tranh nơi ở ngày càng tăng cao.

Trên khắp Manila, hàng chục khu thương mại rơi vào tình trạng tương tự, với dòng công nhân Trung Quốc trong hai năm qua lên tới hàng trăm nghìn, theo các ước tính không chính thức.

Quan hệ nồng ấm và lợi ích đi kèm

Sự chuyển đổi của Tambo và các quận khác được xem là dấu hiệu tốt trong bối cảnh tăng cường quan hệ song phương của hai nước. Sự nồng ấm trong chính sách của Tổng thống Duterte đối với Trung Quốc nhanh chóng dẫn đến dòng tiền Trung Quốc và nhiều thỏa thuận kinh doanh khác nhau giữa hai nước.

Điều này lại diễn ra cùng lúc với việc Manila hợp pháp hóa các doanh nghiệp cờ bạc trực tuyến, ngành công nghiệp chủ yếu do Trung Quốc điều hành và thúc đẩy.

Một trang web đánh bạc ở Philippines có nền tảng trực tiếp để khách hàng tương tác với nhà cái. (Ảnh: South China Morning Post).

Kể từ khi hợp pháp hóa ngành công nghiệp năm 2016, Tập đoàn Giải trí và Cờ bạc Philippine (PAGCOR) đã cấp phép cho 56 nhà điều hành cờ bạc nước ngoài của Philippines (Pogos). Những Pogos này ước tính sử dụng tới 250.000 công dân Trung Quốc.

Điều này khiến Manila phải đối mặt với bài toán cân bằng. Sự gia tăng của Pogos mang lại hàng tỷ peso doanh thu cho chính phủ Philippines, trong khi dòng công nhân Trung Quốc đi kèm dẫn đến sự bùng nổ bất động sản chưa từng thấy trên khắp các quận, làm tăng thu nhập của người cho thuê đất.

Tuy nhiên, nhiều người khuyến cáo chính quyền Duterte phải cân nhắc những lợi ích này với chi phí cho nhiều người dân Philippines bình thường, như Alex và Diane, những người phải gánh chịu sự cạnh tranh gia tăng về nhà ở và mặt bằng kinh doanh.

Lo sợ bị bỏ rơi

Bất cứ ai tham gia vào hoạt động kinh doanh cờ bạc đều biết vận may có thể thay đổi trong chớp mắt. Ngân hàng trung ương Philippines đã cảnh giác trước điều này.

Benjamin Diokno, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines, người đứng đầu Hội đồng Phòng chống Rửa tiền, đã ra lệnh cho cơ quan và nhóm ổn định tài chính của Ngân hàng tTrung ương "để mắt tới cờ bạc trực tuyến".

"Nếu đột nhiên họ quyết định cuốn gói thì sao? Điều đó sẽ tác động ra sao đến lĩnh vực bất động sản, cũng như ngành công nghiệp thực phẩm, nhà hàng? Đây là một phần công việc của tôi", ông Diokno nói trong một diễn đàn kinh tế vào ngày 27/8.

Các nhà hàng Trung Quốc đã tiếp quản các mặt bằng kinh doanh của người Philippines ở Tambo, thành phố Paranaque. (Ảnh: South China Morning Post).

Chỉ riêng với PAGCOR, ngành công nghiệp Pogos đã tạo ra 11,9 tỷ peso (227 triệu USD) doanh thu từ năm 2016-2018 và có thể mang về thêm 8 tỷ peso trong năm nay.

Nhân viên của Pogos cũng dự kiến sẽ nộp ít nhất 2 tỷ peso tiền thuế hàng tháng, hoặc một con số khổng lồ 24 tỷ peso hàng năm cho mỗi 100.000 lao động nước ngoài. Cục Doanh thu Nội địa Philippines đã yêu cầu các công ty nộp thuế cho người lao động nước ngoài, bắt đầu từ tháng trước.

Theo các chuyên gia, bất chấp lo ngại gia tăng về Pogos, đóng góp kinh tế của chúng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Philippines không nên dựa vào nguồn thu nhập này và nên dùng lợi nhuận để củng cố các ngành công nghiệp khác.

"Manila có thể không đóng cửa ngành công nghiệp này nhưng cần điều tiết chặt chẽ, bắt đầu bằng việc truy quét các Pogos bất hợp pháp và không có giấy phép",Lucio Blanco Pitlo III, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, đề xuất.

Trả gấp đôi hoặc cuốn gói

Khu vực bất động sản đang bùng nổ của Manila, nơi Pogos đổ tiền mặt vào, cũng đang đối mặt rủi ro.

Cho thuê mặt bằng văn phòng tại các khu vực nơi Pogos được thành lập, như khu vực Vịnh Manila, thành phố Taguig và thành phố Makati, đã tăng 19,5% từ quý đầu năm ngoái đến cùng thời điểm này trong năm nay, trong khi giá bất động sản ở nhiều nơi của Metro Manila tăng khoảng 10% trong quý đầu năm nay.

Sự bấp bênh khiến các nhà phát triển bất động sản hoảng sợ, nhiều người trong số họ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống lại tác động nếu các Pogos đột nhiên rời khỏi thị trường.

Nhiều người đã "chốt" các hợp đồng cho thuê với Pogos trong ít nhất một năm, đảm bảo chủ sở hữu có lãi ngay cả khi họ bỏ trống mặt bằng.

Một nhà hàng Trung Quốc ở thành phố Paranaque, Philippines. (Ảnh: SCMP).

Đối với cư dân của Tambo, sự trỗi dậy hay sụp đổ của Pogos sẽ quyết định liệu họ sẽ ở lại hay bị buộc rời đi một cách vô lý hay không.

Trước đây là một cộng đồng ven biển, Tambo trong nhiều thập kỷ đã bị bỏ lại phía sau bởi sự phát triển của khu vực Vịnh Manila. Điều này đã giữ cho thuê thấp, lý tưởng cho người lao động từ các tỉnh tìm kiếm việc làm ở Manila.

Trong khu phố của Diane, các khu định cư không chính thức đang bị phá hủy để nhường chỗ cho các khu dân cư và thương mại mới. Các cư dân Philippines còn lại nói rằng rõ ràng dòng lao động Trung Quốc đã thúc đẩy những thay đổi này.

Một canteen gia đình khác đã tồn tại hàng chục năm trong cùng khu vực được thông báo phải rời đi vào tháng 12. Người thuê mới đã đồng ý trả ít nhất gấp đôi tiền thuê mặt bằng.

Khi số phận của các Pogos còn chưa phân định, nhiều người nói rằng tất cả những gì họ có thể làm là hy vọng và cầu nguyện chủ nhà sẽ cảm thông.

"Tôi sẽ chấp nhận nếu họ đòi 40.000 (peso), đành phải chịu thôi. Chẳng mất gì nếu cố nài nỉ. Sẽ thật tốt nếu họ cho chúng tôi cơ hội và để chúng tôi ở lại", Alex nói về khả năng tăng gấp đôi tiền thuê nhà.

Theo Zing

Các tin cũ hơn