"Có rất nhiều người biểu tình ở bên ngoài vào đêm nay. Tại sao bà không trực tiếp đối mặt với họ thay vì chỉ chọn 150 người và cho mỗi người ba phút để hỏi", một người tham dự đặt câu hỏi với Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong buổi đối thoại công khai lần đầu tiên được tổ chức từ khi biểu tình bùng phát tại thành phố.
Sự kiện được tổ chức dưới sự giám sát an ninh chặt chẽ tại sân vận động Nữ hoàng Elizabeth ở quận Wan Chai. Cảnh sát cho biết 3.000 sĩ quan đã được triển khai và ít nhất 100 người, trong đó nhiều người được trang bị thiết bị chống bạo động, đi vào sân vận động trước khi sự kiện bắt đầu.
Những người tham dự được chọn ngẫu nhiên từ hơn 20.200 người đăng ký. Họ được kiểm tra an ninh kỹ lưỡng trước khi vào sân vận động. Mũ bảo hộ và mặt nạ phòng độc, thiết bị đặc trưng của những người biểu tình cực đoan, cũng bị cấm. Không ai được mang chai lọ hay bất kỳ vật dụng nào vào bên trong.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong buổi đối thoại công khai ở sân vận động Nữ hoàng Elizabeth tối 26/9. (Ảnh: SCMP). |
Trong khi các con đường xung quanh sân vận động đã được "dọn sạch" trước đó để ngăn hỗn loạn, người biểu tình vẫn tập trung bên ngoài sân vận động để hô khẩu hiệu, la hét với cảnh sát và chiếu tia laser vào họ.
Bên trong sân, nhiều người chỉ trích Trưởng đặc khu tại sao sau khi thông báo rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, bà không đáp ứng những yêu cầu còn lại của người biểu tình, trong đó nổi bật nhất là điều tra độc lập cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực đối phó người biểu tình.
"Cờ và biểu tượng bị xúc phạm, giáo viên chống cảnh sát, người biểu tình đốt ga tàu. Tôi thực sự đau lòng khi chứng kiến những điều này. Chúng ta đang gửi loại tín hiệu nào tới các khu vực lân cận vậy", một người đặt câu hỏi, đề cập đến tình trạng phá vỡ luật pháp và trật tự.
Gần một nửa trong số 30 người có cơ hội đặt câu hỏi tập trung kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra về cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực với người biểu tình. Tuy nhiên, bà Lam một lần nữa bác bỏ yêu cầu này, khẳng định Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) đang làm việc này và tốt nhất là để việc điều tra cho cơ quan giám sát.
Một phụ nữ đeo khẩu trang y tế không hài lòng với câu trả lời này của bà Lam. "Cảnh sát đã trở thành công cụ chính trị và không có cơ chế giám sát hoạt động của họ. IPCC chỉ là một con hổ không răng", cô nói.
Người phụ nữ này cũng cho rằng không một quan chức hàng đầu nào phải chịu trách nhiệm cho những thể hiện yếu kém và sai lầm kể từ tháng 6, khi các cuộc biểu tình lần đầu tiên nổ ra. "Bà sẽ loại bỏ cơ chế trách nhiệm chính trị sao? Tối nay nhiều người trong chúng tôi đang kêu gọi một ủy ban điều tra. Nếu bà không chú ý đến những lời kêu gọi này thì cuộc đối thoại hôm nay có ý nghĩa gì?", cô nói.
Một sinh viên trở nên xúc động khi hỏi Trưởng đặc khu ."Bà đã bao giờ cảm thông với những người bị cảnh sát xịt hơi cay hay đánh đập? Hay bà chỉ quan tâm đến những cửa xoay bị phá trong các ga tàu. Bà đã dạy tôi, một người ngây thơ, rằng những cuộc biểu tình ôn hòa không thể tạo nên sự khác biệt", sinh viên này cho hay.
Bà Lam nhắc lại khẩu hiệu "Chúng ta kết nối" trong chiến dịch tranh cử năm 2017 của bà. "Tôi thừa nhận tôi đã không làm tốt công việc này trong hai năm qua và đôi khi có vấn đề mất kết nối với mọi người. Tôi hiểu rõ điều này và tôi hy vọng mọi việc sẽ được cải thiện", bà Lam nói.
Bà cũng khẳng định cảnh sát sẽ ngừng sử dụng trung tâm San Uk Ling gần biên giới với Trung Quốc đại lục để giam những người biểu tình bị bắt. Có những khiếu nại về việc cảnh sát ngược đãi người bị giam, song lực lượng thực thi pháp luật bác bỏ điều này.
Tuy nhiên, bà Lam nhấn mạnh rằng những yêu cầu còn lại của người biểu tình, bao gồm ân xá cho người bị bắt, là không phù hợp với luật pháp.
"Những gì đã xảy ra trong ba tháng qua khiến nhiều người đau lòng. Giống như nhiều người Hong Kong, tôi hy vọng sự hỗn loạn và bạo lực có thể kết thúc nhanh", Trưởng đặc khu Hong Kong cho hay. "Niềm tin vào chính quyền đã rơi xuống vực nhưng tôi hy vọng sẽ khôi phục kịp thời, ít nhất một phần. Đối thoại sẽ tiếp tục".
Khi buổi đối thoại kết thúc vào khoảng 21h30, lâu hơn nửa giờ so với dự kiến, những người tham gia vội vàng đăng ký cho cuộc đối thoại tiếp theo, mà các quan chức nói rằng sẽ có chiều sâu hơn.
Người biểu tình Hong Kong tập trung bên ngoài sân vận động Elizabeth tối 26/9. (Ảnh: SCMP). |
Bên ngoài sân vận động, những người biểu tình cực đoan trong đám đông bắt đầu đào gạch và chặn ngã ba đường Queen East Road và Morrison Hill Road để ngăn bà Lam rời đi. Bốn giờ sau khi sự kiện kết thúc, hầu hết những người biểu tình đã giải tán. Bà Lam và các quan chức rời khỏi sân vận động lúc 1h30 sáng nay.
Biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép thành phố đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Bà Lam hôm 4/9 thông báo rút hoàn toàn dự luật, song người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường để yêu cầu chính quyền đáp ứng 4 yêu cầu còn lại.
Theo VNE