Công trình nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm). Chân cầu phía quận 1 ở khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía quận 2, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía Nam Quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu chủ yếu dành cho người đi bộ nhưng có phân làn cho xe đạp. Có thể sử dụng kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy... phù hợp với người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn. (Ảnh: Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm). |
UBND TP.HCM yêu cầu kiến trúc cầu vượt sông Sài Gòn phải hài hòa với không gian xung quanh, có hình dáng dễ nhớ, mỹ thuật, sử dụng công nghệ mới, đảm bảo phục vụ cho các xe cứu nạn di chuyển.
Công trình cũng cần có phương án tiếp cận giao thông lâu dài khi đường Tôn Đức Thắng và Công viên Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh (làm đường ngầm cho xe lưu thông dưới đường Tôn Đức Thắng). Ngoài ra, tại hai điểm đầu cầu phải có khu vực đậu xe và các công trình hỗ trợ phục vụ khách (nhà vệ sinh, quầy nước...).
8 năm trước, UBND thành phố đã cho phép liên danh gồm 3 công ty: TNHH phát triển Bắc Việt, Cổ phần dịch vụ đầu tư Đăng Cơ và Tập đoàn Indochina Capital nghiên cứu đề xuất dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Cầu dài 360m, hình chữ S cách điệu tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam; đường uốn lượn của sông Sài Gòn có trụ tháp nghiêng tạo góc nhìn mở - cách điệu từ hình ảnh cây tre Việt Nam.
Trước đó, Công ty tư vấn Deso (Pháp) - đoạt giải nhất thiết kế Quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm và công viên bờ sông - đề xuất xây 2 cầu vượt bộ hành băng qua sông Sài Gòn theo hình dáng 2 cánh tay dang ra (đón người dân). Kế hoạch này được thành phố thống nhất. Vì vậy, công trình vừa được thành phố duyệt nhiệm vụ thiết kế được gọi là cầu đi bộ số 1 - cầu phía Nam để phân biệt với cầu đi bộ còn lại.
Theo VNE