Được mất sau 3 năm Campuchia đặt cược làn sóng đầu tư TQ

Thứ sáu, 27/09/2019, 13:31
Sihanoukville cách Bắc Kinh hơn 3.500km nhưng trông giống một thành phố Trung Quốc hơn là Campuchia. Ba năm làn sóng đầu tư từ đại lục, nơi này được gì, mất gì?

Mọi con phố đều nghe thấy tiếng Trung. Tiệm ăn Trung Quốc mọc lên dọc con đường đất nơi có các công trình khách sạn và sòng bạc đồ sộ, vốn sắp trở thành skyline (đường chân trời) của Sihanoukville.

Từng là làng chài, cũng từng là nơi các phượt thủ tới khám phá, nhưng thị trấn Tây Nam Campuchia, với làn sóng đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, nay đang "lột xác" thành nơi mà dân địa phương gọi là “thành phố Mao Trạch Đông”.

Biệt danh này được sử dụng vì Sihanoukville lấy tên từ quốc vương Norodom Sihanouk đã quá cố của Campuchia, người khá thân với cựu chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, theo South China Morning Post.

Làn sóng người Trung Quốc tới Sihanoukville bắt đầu ba năm trước, nhờ ưu đãi của chính phủ Campuchia. Số người Trung Quốc đã lên tới khoảng 80.000, bằng số người Campuchia ở đây, theo thị trưởng Y Sokleng.

Giờ đây, 90% khách sạn, nhà hàng, sòng bạc ở Sihanoukville do người Trung Quốc làm chủ. Sự phát triển chóng mặt cũng là vấn đề nghiêm trọng với Sihanoukville, với nạn cờ bạc trái phép, mại dâm, buôn ma túy, hay mất an toàn tại các công trình Trung Quốc. Ngoài ra, giá thuê nhà lên cao đẩy những người nghèo nhất vào cảnh khốn cùng.

Người Campuchia làm thợ xây trên một tòa nhà ở Sihanoukville, nơi đã thay đổi hoàn toàn nhờ đầu tư của Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

“Làm ăn thiếu trách nhiệm”

Tháng 6, một tòa nhà Trung Quốc 7 tầng đang xây bị sập, giết chết 28 người Campuchia. Thống đốc Yun Min đã phải từ chức, và cả thành phố rà soát lại các công trình.

22 điểm xây dựng không phép bị đình chỉ, chiếm 10% tổng số dự án, đa số do người Trung Quốc làm chủ. Hai tòa nhà của người Trung Quốc bị chính quyền ra lệnh phá hủy sau khi phát hiện vết nứt.

“Cách làm ăn thiếu đạo đức của người Trung Quốc, như dùng vật liệu kém chất lượng như cát biển trong xi măng, làm giảm an toàn của công trình, khiến dân địa phương giận dữ”, thị trưởng Y Sokleng nói với South China Morning Post.

Xây dựng ồ ạt cũng gây hủy hoại môi trường, theo Alex Gonzalez-Davidson, nhà hoạt động từ tổ chức Mẹ Thiên nhiên Campuchia.

Ông cho biết làn sóng xây dựng càng đè nặng lên “hệ thống dịch vụ công đã thiếu thốn một cách tồi tệ” “cuộc khủng hoảng rác ngày càng trầm trọng”, trong đó rác ở ngoài nhiều ngày, nhiều tuần liền rồi mới được thu gom, nhưng chỉ được chuyển ra ngoại ô rồi bị đốt hoặc để tự phân hủy.

Tội phạm cũng tăng lên - số vụ phạm tội hình sự tăng 25% trên toàn tỉnh vào năm ngoái so với 2017, theo cảnh sát. Trong bối cảnh đó, Campuchia và Trung Quốc ký hiệp định vào tháng 3 để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia.

Hiện trường tòa nhà 7 tầng bị đổ sập làm 28 người chết ở Sihanoukville hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Trong một vụ việc tháng 7, cảnh sát Sihanoukville bắt 146 người, đa số là Trung Quốc, bị nghi dùng và buôn ma túy. Hơn 500 người Trung Quốc đã bị trục xuất kể từ giữa tháng 7, hầu hết dính đến lừa đảo qua mạng, theo truyền thông địa phương.

“Họ đến đây để lợi dụng năng lực thực thi pháp luật yếu kém”, Neak Chandarith, quyền trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại đại học Hoàng Gia Phnom Penh, nói với South China Morning Post.

Điểm nóng rửa tiền từ Trung Quốc?

Trong bối cảnh sòng bạc liên tiếp được xây dựng - 48 sòng bạc có chủ là người Trung Quốc, tổ chức chống rửa tiền Financial Action Task Force đưa Campuchia vào danh sách theo dõi sau khi chỉ ra các thiếu sót về khả năng chống rửa tiền.

“Sihanoukville có thể trở thành điểm nóng rửa tiền bẩn từ Trung Quốc, chủ yếu qua các ngành đánh bạc và bất động sản hoàn toàn không được kiểm soát”, Gonzalez-Davidson nói.

Trong khi đó, các nhà máy phàn nàn về việc mất nhân công cho các sòng bạc.

“Sòng bạc là nơi hấp dẫn cho thanh niên địa phương làm việc thay vì nhà máy, vì điều kiện làm việc tốt hơn, kiếm nhiều hơn, lại mặc trang phục lịch lãm đi làm”, Kong Linghu, chủ nhà máy phụ tùng ôtô trong một đặc khu kinh tế của Trung Quốc, cho biết.

“Tuy nhiên những người nghèo Campuchia chỉ có thể kinh doanh nhỏ, họ không thể duy trì kinh doanh vì tiền thuê rất cao”, Kong nói thêm.

Các tòa nhà mới mọc lên ồ ạt tại Sihanoukville, đa số có chủ đầu tư Trung Quốc. Ảnh: Los Angeles Times.

Kẻ được, người mất trong dòng tiền đổ vào

Một số người dân địa phương đã chào đón tiền bạc của Trung Quốc.

Tem Ban, lái xe tuk tuk 33 tuổi đến từ vùng nông thôn gần Phnom Penh, hy vọng sẽ có thêm nhà đầu tư Trung Quốc. Anh kiếm được 30 USD một ngày, chuyển về cho gia đình 500 USD mỗi tháng, và ngủ trong xe tuk tuk mỗi tối để tiết kiệm tiền. “Tôi đến đây vì có thể kiếm tiền, và tôi muốn kiếm thêm”, anh nói với South China Morning Post.

Sorn Lidy, 25 tuổi, môi giới bất động sản cho một nhà đầu tư Trung Quốc, cũng vui vì thu nhập tăng lên, và cho biết cô kiếm được 1.000 USD mỗi tháng làm phiên dịch cho người Trung Quốc.

Bou Saroen, người bán đồ ăn vặt ngoài một ngôi chùa, kiếm được 2.000 USD mỗi tháng nhờ cho người Trung Quốc thuê nhà. “Tôi nói với 5 con mình rằng chúng phải học tiếng Trung tốt vì sẽ có tương lai tốt hơn”.

Thanh niên địa phương cũng được đào tạo miễn phí ở Học viện Công nghệ Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia, nằm trong đặc khu kinh tế.

Nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi.

Maggie Eno, người sáng lập tổ chức bảo vệ trẻ em trong thành phố, nói trẻ em và gia đình nghèo đã bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong vòng 18 tháng qua. Các gia đình này không thể trụ lại quê hương vì tiền thuê quá cao. Họ phải sống trong những khu nhà tồi tàn ở ngoại ô.

“Khi các quan chức nói về phát triển, họ chỉ nghĩ đến các tòa nhà đồ sộ và công ty, không nghĩ đến người dân. Phát triển kiểu đó chắc chắn thất bại vì người nghèo bị bỏ quên”, bà nói.

Tài xế tuk tuk (trái) và người bạn rời vùng nông thôn gần Phnom Penh để tới Sihanoukville kiếm tiền. (Ảnh: South China Morning Post).

Học giả Neak Chandarith cũng đồng ý rằng những người nghèo nhất đang phải rời nhà chuyển đi nơi khác, và kêu gọi công ty Trung Quốc có trách nhiệm về tình trạng này.

“Tôi nghĩ những vấn đề này phổ biến khi một khu vực phát triển quá nóng, khi địa phương có ít không gian để tiếp nhận làn sóng đầu tư Trung Quốc”.

Thậm chí một số người Trung Quốc tự hỏi liệu Sihanoukville có phải nơi thuận lợi để làm ăn không.

Một chủ tiệm đồ ăn Phúc Kiến mở tại đây từ năm ngoái nói tiệm của ông đang khó khăn. “Tôi không kiếm được lợi nhuận vì chi phí cao... tiền thuê cửa hàng nhỏ hàng tháng tốn khoảng 5.000 USD, không biết tôi sẽ duy trì được bao lâu nữa”, ông nói.

Nhưng đối với Jia Jianmin, Sihanoukville vẫn tốt hơn Trung Quốc, nơi mà bốn nhà hàng của ông đang chật vật vì kinh tế đại lục chững lại. Ông tin vào nhà hàng của mình ở Sihanoukville hơn.

“Tôi đầu tư 285.000 USD vào nhà hàng và tin tưởng ở Sihanoukville”, ông nói với South China Morning Post. “Chi phí lao động khá thấp và có rất nhiều tiềm năng”.

Các sòng bạc mới được xây dựng bởi nhà đầu tư Trung Quốc ở Sihanoukville. (Ảnh: Getty Images).

Theo Zing

Các tin cũ hơn