Những lời chua chát của chị Thủy, sống gần nhà máy sơn...
Một đoạn cống thoát nước mới được đưa vào sử dụng ở Xa lộ Hà Nội (Q.9, TP.HCM) đã bung hết xi măng, lòi sắt thép ra ngoài. Từ đường cống bị hư hỏng bất thường này truy ngược về các nguồn xả thải, sẽ thấy các nhà máy ô nhiễm ở TP.HCM đã tàn phá môi trường và cuộc sống của người dân như thế nào.
Công nhân không dám xuống cống
“Khi chủ đầu tư dự án bàn giao công trình cho Trung tâm Chống ngập TP.HCM quản lý thì phát hiện một đoạn cống bị ăn mòn bất thường dẫn đến bong hết lớp bê tông. Đó là cống thoát nước thuộc dự án đường song hành Xa lộ Hà Nội, đoạn từ đường Phan Chu Trinh đến Đỗ Xuân Hợp, Q.9. Điều lạ là chỉ có một đoạn cống ngắn bị tàn phá, hư hỏng, còn lại đều bình thường” - một kỹ sư của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM từng tham gia kiểm tra sự cố nói trên, nhớ lại.
Do nghi ngờ tuyến cống bị các nguồn xả thải ô nhiễm từ các nhà máy gần đó phá hủy, Trung tâm Chống ngập TP.HCM phải gửi công văn đề nghị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 05), Công an TP.HCM điều tra. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, đến nay, thủ phạm gây hư hỏng đường cống thoát nước ở Xa lộ Hà Nội vẫn chưa xác định được. Trong khi đó, đoạn cống “trơ xương” ngày càng hư hỏng nặng, có nguy cơ gây sụp lún mặt đường.
Cống thoát nước ở Xa lộ Hà Nội bị nước thải độc hại gây hư hỏng, lòi sắt thép ra ngoài |
Từ hình ảnh chúng tôi cung cấp, kỹ sư Vũ Quang Hoài - chuyên gia về xử lý sự cố công trình xây dựng - nhận định, nhiều khả năng cống thoát nước bị các hóa chất có trong nước thải phá hủy. Ông giải thích: “Theo quy định, cống thoát nước chỉ thiết kế để đảm bảo tiếp nhận nước mưa và nước thải đô thị nhưng trên thực tế, tại nhiều khu vực ở TP.HCM, cống thoát nước phải tiếp nhận nước thải công nghiệp từ các nhà máy xả ra. Nếu nguồn nước này bị ô nhiễm cao, có nhiều hóa chất độc hại như a-xít chẳng hạn, cống thoát nước rất dễ bị ăn mòn, hư hỏng”.
Một cựu cảnh sát môi trường từng tiếp nhận thông tin vụ cống hỏng nói trên nhớ lại: “Cống thoát nước ở Xa lộ Hà Nội được phát hiện hư hỏng bất thường cuối năm 2011. Trước đó, khu vực cống tiếp nhận nước thải cũng có những dấu hiệu ô nhiễm như nước có màu nâu đỏ, màu xanh đậm. Đó là tình trạng ô nhiễm chung do các nhà máy dệt nhuộm ở Q.9 xả ra. Dù vậy, việc xác định cụ thể nhà máy nào đã xả nước thải làm hư đoạn cống thoát nước là điều rất khó. Do vậy, vụ việc được chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.9 để kiểm tra, xử phạt chung đối với các cơ sở gây ô nhiễm ở khu vực có cống thoát nước bị hư hỏng”.
Một lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, qua số liệu báo cáo từ các xí nghiệp của công ty đầu năm 2019, hiện ở TP.HCM vẫn còn nhiều vị trí cống thoát nước bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm từ các cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp.
“So với trước đây, mức độ ô nhiễm ở cống thoát nước khu vực nội thành có giảm do nhiều nhà máy đã di dời ra ngoại thành. Nhưng vẫn còn không ít nơi, nước thải ra cống vẫn có hóa chất công nghiệp như ở các quận 9, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân… Ở những khu vực này, công nhân rất ngại chui xuống cống nạo vét bùn. Trên thực tế, đã từng xảy ra tình trạng nước thải từ các nhà máy ô nhiễm xả ra làm công nhân bị bỏng” - vị này cho biết thêm.
Anh Nguyễn Đức Cường - công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, từng bị bỏng khi chui xuống cống nạo vét bùn - nhớ lại: “Lúc đó, tụi tôi đang múc bùn dưới hố ga ở gần vòng xoay An Lạc, Q.Bình Tân thì có luồng hơi nóng xộc ra. Tôi nhanh chân nhảy lên đường nhưng toàn thân vẫn bị bỏng rát, phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng… Anh Bình làm chung với tôi cũng bị bỏng nặng. Bác sĩ nói nguyên nhân bỏng là do bị hơi nóng và cả hóa chất độc hại”.
Theo anh Cường, khi chui cống nạo vét bùn, ngoài lo sợ đạp phải miểng chai, kim tiêm, công nhân còn lo bị bỏng, bị nhiễm độc khi làm việc ở những khu vực có các nhà máy ô nhiễm. “Sợ nhất là nước từ các cơ sở dệt nhuộm. Nước đó mà bám vô người thì không bị bỏng cũng bị ngứa dai. Đến bê tông của cống mà còn bị ăn mòn, bong tróc thì da người sao chịu nổi” - anh Cường lo ngại.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) từng nhiều lần bị trào bọt trắng xóa do tiếp nhận quá nhiều nguồn nước thải ô nhiễm, đặc biệt là từ các cơ sở dệt nhuộm |
Giám đốc một xí nghiệp thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM cho biết, hiện nay, ở những vị trí bị hoạt động xả thải công nghiệp gây ô nhiễm, đơn vị sẽ bố trí các phương tiện cơ giới để duy tu nạo vét bùn chứ không dám cho công nhân xuống cống.
Bị bệnh triền miên vì khí độc
Có thể nhận biết sự ô nhiễm ở nguồn nước thải từ các cơ sở, nhà máy sản xuất ở TP.HCM xả ra cống thoát nước, kênh rạch thông qua màu sắc của nước, nhưng việc truy tìm dấu vết của thủ phạm gây ô nhiễm lại rất đỗi gian nan. Trường hợp của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Na Co (Công ty sơn Na Co) ở ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn là một dẫn chứng.
Ngày 18/9, sau khi nhận được tin báo của người dân về tình trạng nhà máy sơn Na Co liên tiếp xả ra mùi hóa chất nồng nặc, chúng tôi tìm đến trụ sở công ty nhưng loay hoay mất cả giờ mới tìm ra, vì nó nằm ngay giữa khu dân cư, cửa luôn đóng kín. Thậm chí, nhiều người dân sống gần công ty này cũng không biết trụ sở nhà máy sơn ở đâu.
“Tui mới về đây sống mấy năm. Thỉnh thoảng có nghe mùi hôi, mùi khét theo gió thoảng qua nhưng không biết đó là mùi gì. Cũng có nghe loáng thoáng là ở đây có một công ty sơn nhưng thú thật, chưa biết nhà máy đó nằm ở đâu” - một người dân sống cách nhà máy sơn chừng 500m, phân bua khi chúng tôi hỏi đường vào nhà máy sơn.
Sống gần nhà máy sơn, chị Thủy và nhiều thành viên trong gia đình thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp |
Chị Huỳnh Thị Thu Thủy - nhà ở sát hông nhà máy sơn Na Co - kể: “Mỗi khi nó (công ty) hoạt động là mùi hôi chịu không nổi, gia đình phải đi nơi khác ở tạm. Mới hôm rồi, mùi hôi xả ra dữ quá, bà con phải gọi điện báo lên UBND xã, bên xã cử đoàn xuống kiểm tra rồi thông báo trong vòng 15 ngày, công ty sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, nhà máy sơn có trước hay khu dân cư có trước, chị Thủy thoáng ngần ngại rồi bộc bạch: “Lúc đó, dân cư ở đây đã đông đúc rồi. Nói thiệt, đất xây nhà máy sơn là của bà nội tui bán cho họ. Lúc đó, họ mua gần 2.000m2, nói để sản xuất tinh dầu gì đó chứ đâu nói xây nhà máy sản xuất sơn. Nếu biết họ xây nhà máy sơn gây ô nhiễm, chắc chắn gia đình tui sẽ không bán đất. Vì gia đình tui bán đất cho họ nên bây giờ thấy bà con ở đây phải chịu cảnh ô nhiễm triền miên, tui cũng áy náy”.
Đưa chúng tôi xem một xấp giấy khám chữa bệnh, trong đó có nhiều giấy khám bệnh mới xác định nhiều thành viên trong gia đình bị viêm nhiễm đường hô hấp, chị Thủy rầu rĩ: “Nhà máy cứ đầu độc người dân hết năm này đến năm khác như vậy mà chẳng thấy di dời. Cứ mỗi đợt nhà máy xả mùi hóa chất nhiều là cả nhà lại bị viêm mũi, phải đi khám, điều trị. Sống kiểu này riết chắc bị bệnh mãn tính luôn”.
Ngoài khổ sở vì mùi hóa chất ô nhiễm, người dân ở xung quanh Công ty sơn Na Co còn phập phồng lo sợ tình trạng cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Năm 2012, công ty này đã bị cháy. May là lúc đó, bà con ở đây dồn sức dập lửa kịp thời; nếu không, cả xóm cũng bị cháy theo. Cũng may hồi đó cháy nhỏ, chứ cháy lớn như Công ty Rạng Đông ở Hà Nội mới đây thì hóa chất độc hại cũng đã phát tán khắp nơi rồi” - bà Mỹ, nhà gần nhà máy sơn Na Co, bày tỏ.
Phải đeo mặt nạ, dập lửa nhà máy sơn
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nhà máy sơn Na Co đang lưu chứa rất nhiều thùng phuy và các can nhựa loại lớn, đựng các chất dạng lỏng. Nhiều khả năng đây là nguyên liệu dùng để sản xuất sơn. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, vào năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có phối hợp với cảnh sát môi trường lập đoàn kiểm tra Công ty sơn Na Co và xác định, trong quá trình sản xuất sơn, công ty có phát tán mùi hôi đặc trưng ra môi trường.
Vào thời điểm kiểm tra, trong khuôn viên công ty, có một số phùng phuy đựng hóa chất không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại; công ty chưa cung cấp được hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại cho các đơn vị có chức năng xử lý; chưa cung cấp được hồ sơ mặt bằng thoát nước thải cũng như hồ sơ kỹ thuật về xử lý khí thải… Sau đợt kiểm tra nói trên, người dân địa phương nhận được thông báo, nhà máy sơn Na Co sẽ di dời vào năm 2017, nhưng đến nay, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, các cảnh sát phòng cháy chữa cháy có thâm niên trong nghề cho biết, các nhà máy sơn thường sử dụng các loại hóa chất, dung môi rất dễ xảy ra cháy nổ, nên việc để công ty sơn hoạt động sản xuất ngay khu dân cư là rất nguy hiểm. “Công ty sơn Na Co đã từng bị cháy năm 2012. Cũng ở H.Hóc Môn, năm 2017, một công ty sản xuất sơn ở ấp Xuân Thới Đông 1 cũng bị cháy. May sao công ty này xây tường cao, kiên cố nên lửa không cháy lan ra ngoài. Nhưng do công ty có nhiều hóa chất nên các chiến sĩ vào dập lửa phải đeo mặt nạ phòng độc” - vị cảnh sát này thông tin thêm.
( còn nữa )
Theo Phụ nữ